Từng
là thầy giáo, ông Phạm Xuân Anh chia sẻ quan điểm về việc tuyển chọn giáo viên
nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này.
Một trong những đổi mới đáng
ghi nhận trong mùa tuyển sinh đại học năm nay là việc đặt ra yêu cầu cao hơn
của các thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm. Cụ thể, đối với trình độ đại học,
xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối
với trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại
học lực lớp 12 từ khá trở lên. Điểm sàn xét tuyển ngành sư phạm cũng
nâng lên so với năm ngoái.
Đây
là thay đổi tuyệt vời, kết quả sẽ thấy rõ trong 4 năm tới khi có được lứa sinh
viên sư phạm đầu tiên ra trường kể từ sự thay đổi này. Đó sẽ là những thầy cô
giáo rất giỏi chuyên môn. Từ sự thay đổi này nghề giáo sẽ dần được coi trọng
đặc biệt, sẽ có lúc như Phần Lan, đất nước có nền giáo dục đứng hàng đầu thế
giới, nơi nghề giáo được coi trọng đặc biệt.
Tuy nhiên, trước khi chờ đợi
lứa sinh viên tài năng ra trường thì ngành giáo dục còn phải đối phó với rất
nhiều khó khăn khi đang có một lượng lớn giáo viên không đủ trình độ (do hậu
quả của nhiều năm không coi trọng sinh viên sư phạm). Để giải quyết vấn đề này
tôi mong Bộ GD&ĐT quyết liệt hơn trong chủ trương tuyển chọn những người
giỏi, nhưng không học qua sư phạm vào làm giáo viên.
Chủ trương này nên thực hiện
thường xuyên (ngay cả khi lứa sinh viên sư phạm tài năng năm nay tốt nghiệp) vì
có rất nhiều người tài năng không học qua sư phạm nhưng muốn làm giáo viên. Đây
là nguồn lực quý giá góp phần nâng cao chất lượng giáo viên, đồng nghĩa với
việc nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà. Để minh chứng cho việc cần quyết
liệt trong việc thực hiện chủ trương tuyển chọn những người giỏi nhưng không
học qua sư phạm vào làm giáo viên, tôi xin kể câu chuyện sau.
Vừa rồi tôi có dịp đến nhà một
người họ hàng ở Hà Nội chơi. Trong gia đình có một cháu năm vừa rồi thi đỗ và
đang học lớp 10 ở một trường công lập có tiếng ở Hà Nội. Gặp cháu ở nhà tôi có
hỏi cháu về tình hình học tập. Thú thật là tôi định hỏi để mà hỏi thôi vì tôi
nghĩ trường cháu thuộc dạng đỉnh của thủ đô thì việc học hành của học sinh chắc
là ổn lắm.
"Môn Toán chán lắm chú
ạ", tôi không ngờ rằng cháu lại phàn nàn ngay như vậy. Hỏi rõ, cháu cho
biết thầy giáo dạy kém, lớp đã kiến nghị nhưng nhà trường vẫn chưa đổi giáo
viên. Đến đây thì tôi đã hiểu vì sao cháu tôi lại bảo chán môn Toán (vốn trước
đây cháu là học sinh say mê và học giỏi môn Toán) vì tôi cũng từng là giáo
viên.
Trường học trước đây tôi từng
giảng dạy có những giáo viên Toán rất kém, kém cả kiến thức, kém cả nghiệp vụ;
già có, trẻ có. Già thì do được đào tạo từ lâu, sức ỳ lớn nên không cập nhật
thường xuyên kiến thức. Trẻ thì do điểm đầu vào đại học thấp, đã thế lại học ở
những trường đào tạo không tốt nên kiến thức chuyên môn càng kém. Với nhiều
giáo viên bộ môn khác thì tình hình cũng không khả quan hơn, họ cũng rất lười
đọc, nghiên cứu để nâng cao trình độ.
Có những giáo viên Văn mà cả
năm không đọc cuốn sách nào thì lấy đâu kiến thức, lấy đâu chất liệu để mà
giảng dạy đây? Gặp những giáo viên này thì học sinh lãnh đủ. Nhà trường biết
vậy nhưng không thể có giải pháp nào khác vì đó là giáo viên thuộc biên chế và
đã được Sở Giáo dục phân về, trường buộc phải phân công giảng dạy dù chuyên môn
có kém thế nào đi chăng nữa.
Vậy
giải pháp nào để nâng cao chất lượng giáo viên đây? Có nhiều giải pháp như cần
bỏ biên chế giáo dục; coi giáo dục như là ngành dịch vụ, trường học như một
công ty (trường phải dạy tốt thì mới có học sinh); tăng đãi ngộ với ngành giáo
dục... Ở đây tôi mong Bộ Giáo dục thực thi quyết liệt một giải pháp cũ nhằm
nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện nay, đó là tuyển chọn giáo viên từ những
ứng viên ưu tú của các trường không phải là sư phạm, nhưng có nguyện vọng làm
giáo viên.
Thực tế, Bộ GD&ĐT vẫn có chính sách tuyển giáo viên không qua học
ngành sư phạm. Tuy nhiên, thực tế chủ trương này chưa được thực thi một cách
quyết liệt. Nơi tôi dạy học trước đây, những người được giao trọng trách dạy
đội tuyển học sinh giỏi, ôn thi đại học môn Toán là các thầy học ở Đại học Khoa
học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hoặc có người dạy ôn thi đại học nổi
tiếng ở Phú Thọ là cựu sinh viên... Xây dựng.
Nếu ngành giáo dục thực thi chủ trương tuyển chọn giáo viên từ những ứng
viên ưu tú của các trường không phải là sư phạm, nhưng có nguyện vọng làm giáo
viên một cách quyết liệt hơn thì nguồn tuyển rất dồi dào. Có rất nhiều người
học ngành khác nhưng khi ra trường lại muốn làm giáo viên. Khi đó sẽ có viễn
cảnh là những giáo viên dạy Sinh học, nhưng là những người tốt nghiệp Đại học
Y, Đại học Khoa học tự nhiên. Giáo viên ngoại ngữ từng du học ở nước ngoài...
Đặc biệt cần quan tâm tới những người từng du học này. Bởi vì ngoài kiến
thức chuyên môn thì những trải nghiệm, bản lĩnh họ thu được qua những năm du
học sẽ là những bài học sống động cho học sinh, sinh viên. "Người dạy chữ
thì thường có nhiều, người dạy người thường có ít", người xưa đã dạy như vậy.
Chủ trương này đồng thời giúp giảm thiểu nguồn cung thiếu giáo viên giỏi
do chất lượng đầu vào thấp của ngành sư phạm nhiều năm gần đây. Giáo viên thì
trước hết năng lực phải giỏi. Đối với những giáo viên năng lực kém thì cần loại
bỏ. Với những sinh viên sư phạm không đủ năng lực thì không cho dạy, hãy để các
em chọn nghề khác, nghề chọn người, nghề giáo đã không chọn các em. Ngành sư
phạm không được tuyển sinh tràn lan nữa.
Nghe có vẻ tàn nhẫn nhưng phải quyết liệt thôi nếu muốn chất lượng giáo
viên đi lên. Khi đó ngành giáo dục sẽ tuyển được những giáo viên thực sự tài
năng, tâm huyết. Nam Định luôn đứng top đầu cả nước về điểm thi THPT, thi học
sinh giỏi nhiều năm qua. Sở Giáo dục tỉnh này khi tuyển giáo viên luôn ưu tiên
những sinh viên của Đại học Sư phạm Hà Nội. Do đội ngũ chất lượng nên kết quả
tốt là hiển nhiên.
Khi
tuyển giáo viên có thể dựa trên kết quả, chẳng hạn: (Điểm đầu vào + Điểm toàn
khóa học + (Số các trường đại học, cao đẳng được xếp hạng - Thứ tự được xếp
hạng)/100). Ứng cử viên nào điểm cao sẽ được chọn. Hoặc đơn giản nhất, ví dụ
một trường THPT dân lập có tiếng ở Hà Nội khi tuyển giáo viên thì hình thức rất
đơn giản: đưa bài thi đại học ngẫu nhiên cho ứng viên làm, nếu được từ 9 trở
lên thì qua vòng chuyên môn; dạy thử 70% học sinh đánh giá tốt thì qua vòng
nghiệp vụ, thế là được nhận.
Nếu chủ trương này được thực thi một cách quyết liệt hơn thì như tôi đã
nói trên khi đó ngành giáo dục sẽ tuyển được những giáo viên thực sự tài năng,
tâm huyết. Chủ trương này đồng thời giúp giảm thiểu nguồn cung thiếu giáo viên
giỏi do chất lượng đầu vào thấp của ngành sư phạm nhiều năm gần đây.
Ví dụ, ứng viên có điểm thi đại học là 20; điểm toàn khóa 8; có 200 trường
xếp hạng, nếu ứng viên tốt nghiệp trường xếp hạng 1 thì điểm số sẽ là: (20 + 8
+ (200 - 1)/100) = 29.99; nếu trường xếp hạng 30 thì số điểm số sẽ là: (20 + 8
+ (200 - 30)/100 = 29.
Nguồn:
vnexpress