Ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định: Chú trọng bồi dưỡng cả phẩm chất, nghiệp vụ và chuyên môn
Căn cứ xác định nội dung bồi dưỡng bao gồm: Mục tiêu của giáo dục nói chung và mục tiêu giáo dục của cấp học, chương trình học, môn học nói riêng; nhu cầu của cơ sở giáo dục và giáo viên; khả năng đáp ứng của đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng.
Nội dung bồi dưỡng: Bồi dưỡng về phẩm chất, nghiệp vụ và chuyên môn (năng lực) cho giáo viên
Thứ nhất, về phẩm chất: Ngoài những phẩm chất chung, cần chú trọng bồi dưỡng về trách nhiệm, chăm chỉ và khả năng làm chủ cảm xúc của bản thân.
Thứ 2, về nghiệp vụ sư phạm, một là bồi dưỡng cho giáo viên khả năng thu hút, đồng hành và tạo cảm hứng cho học sinh. Giáo viên có khả năng, nghệ thuật cảm hóa học sinh, làm cho học sinh yêu quý mình, yêu thích môn học của mình, hòa đồng để đồng hành cùng học sinh để dẫn dắt học sinh học tập; dẫn dắt học sinh đạt mục tiêu giáo dục nói chung và mục tiêu bài học, môn học nói riêng; tạo được niềm tin với học sinh và phụ huynh; là địa chỉ để học sinh chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những khúc mắc trong học tập, sinh hoạt, quan hệ của bản thân.
Bồi dưỡng cho giáo viên có khả năng tạo động lực, ước mơ cho học sinh để học sinh phấn đầu học tập; nuôi dưỡng ước mơ cho học sinh; hiểu nguyên tắc, tính "vừa sức" trong dạy học để tạo áp lực vừa sức cho từng đối tượng học sinh nhằm biến áp lực, động lực bên ngoài thành động lực bên trong cho mỗi học sinh.
Bồi dưỡng kỹ năng xây dựng kế hoạch của bản thân giáo viên và kế hoạch của học sinh; hướng dẫn học sinh xây dựng kế hoạch.
Bồi dưỡng năng lực tổ chức, tạo phong trào học tập, rèn luyện kỹ năng cho học sinh qua các hoạt động cá nhân, hoạt động tập thể học sinh. Bồi dưỡng cho giáo viên có tầm nhìn để "cài đặt" tư tưởng, mục tiêu giáo dục sau mỗi hoạt động giáo dục.
Thứ 3, về chuyên môn: Bồi dưỡng cho giáo viên nắm vững chương trình môn học của mình; nắm vững mục tiêu dạy học thông qua chương trình môn học, qua từng bài dạy; nắm vững "tư tưởng" của chương trình, sách giáo khoa. Từ đó, giáo viên có khả năng phát triển chương trình, nội dung dạy học trong suốt quá trình dạy học.
Đồng thời, bồi dưỡng cho giáo viên năng lực thực hiện mục tiêu dạy học thông qua từng bài dạy cụ thể. Đối với mỗi bài dạy cụ thể, giáo viên phải có khả năng xác định mục tiêu về nội dung, mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cụ thể; thực hiện mục tiêu đó bằng cách nào trong quá trình dạy học.
Cùng với đó, bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu (theo cá nhân, theo nhóm) cho giáo viên. Từ đó, giáo viên có kinh nghiệm, khả năng hướng dẫn học sinh tự học (theo cá nhân, theo nhóm lớp học tập); hướng dẫn học sinh tập dượt làm các đề tài khoa học; trang bị cho giáo viên phương pháp hướng dẫn học sinh học "cách học" thông qua những nội dung cụ thể.
Bồi dưỡng năng lực đánh giá học sinh để có giải pháp cá biệt hóa đối tượng học sinh; lựa chọn nội dung và yêu cầu phù hợp cho từng đối tượng để mỗi đối tượng luôn luôn có mục tiêu và luôn được cổ vũ vươn lên.
Bồi dưỡng cho giáo viên năng lực, kỹ năng ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh sau từng nội dung giảng dạy; kỹ năng phân tích đánh giá, rút kinh nghiệm từ kết quả kiểm tra; dạy cho học sinh tự phát hiện vấn đề, tự ra đề tự kiểm tra, kiểm tra lẫn nhau.
Ông Nguyễn Thúc Sinh - Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non & Tiểu học (Sở GD&ĐT Phú Thọ): 3 nội dung cần bồi dưỡng
Nội dung bồi dưỡng đầu tiên là khái quát những yêu cầu cần đạt, những mạch kiến thức có trong chương trình mới; so sánh sự giống nhau và khác nhau, những thay đổi giữa chương trình 2006 và chương trình 2018.
Thứ 2, nội dung bồi dưỡng tập trung làm rõ về: Hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học phù hợp với Chương trình mới, đáp ứng mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh. Có thể nói, đây là yếu tố có tính quyết định đến sự thành công của việc đưa chương trình mới tới học sinh. Chỉ có những phương pháp dạy học hướng đến hoạt động học của học sinh mới góp phần phát triển được năng lực của người học.
Thứ 3, cần tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Nội dung này đã có trong Thông tư 30 và Thông tư 22, tuy nhiên trên thực tế, việc đánh giá thường xuyên học sinh vẫn chưa đạt yêu cầu mong muốn. Việc đánh giá thường xuyên của giáo viên vẫn chưa theo sát quá trình và tiến trình dạy học. Trong thực tiễn chỉ đạo, kiểm tra giáo viên đang thực hiện là Thường xuyên đánh giá chứ chưa phải đánh giá thường xuyên.
Hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học phù hợp với Chương trình mới, đáp ứng mục tiêu dạy học phát triển năng lực học sinh là yếu tố có tính quyết định đến sự thành công của việc đưa chương trình mới tới học sinh. - Ông Nguyễn Thúc Sinh chia sẻ.
Hiếu Nguyễn (Báo GD&TĐ)