PGS.TS. Lưu Trang
Thưa PGS.TS Lưu Trang, có ý kiến cho rằng, thời gian qua,
Bộ GD&ĐT đã có những quyết sách mạnh mẽ trong việc đổi mới nâng cao chất
lượng đội ngũ giáo viên, cùng với đó, các trường ĐH sư phạm trọng điểm quốc gia
đã có nhiều giải pháp, hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng năng
lực giáo viên, tuy nhiên, hiệu quả mang lại thật sự chưa đáp ứng được như kỳ
vọng và hiện nay công tác này gặp không ít khó khăn, thách thức. Ông nhìn nhận
như thế nào về vấn đề này?
-
Giáo viên chính là người đi đầu quyết định tới chất lượng giáo dục. Không làm
tốt được khâu giáo viên, mọi chương trình đổi mới giáo dục đều thất bại. Chính
vì thế, công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu mới
của đất nước đã trở nên hết sức quan trọng và cấp bách.
Nếu
chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai trong thời gian tới với
định hướng và yêu cầu chuyển từ trang bị nội dung kiến thức sang phát triển
phẩm chất và năng lực người học bằng việc dạy học tích hợp và lồng ghép, dạy
học phân hóa, trải nghiệm sáng tạo… thì năng lực của đội ngũ giáo viên phổ
thông đang đứng trước những thách thức mới.
Trong
những hạn chế của đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay thì đáng lưu ý nhất là
những hạn chế về kiến thức chuyên môn và khả năng tự bồi dưỡng nâng cao trình
độ. Những kiến thức được trang bị khi còn là sinh viên trong trường ĐH chỉ là
những kiến thức cơ bản so với biển kiến thức mênh mông. Hiện nay, đội ngũ giáo
viên ở các trường phổ thông chủ yếu là những giáo viên ra trường nhiều năm nên
không cập nhật kịp thời kiến thức mới và phương pháp mới để đáp ứng yêu cầu của
chương trình, sách giáo khoa.
Phương pháp giảng dạy phần lớn của giáo viên vẫn là trình
bày miệng, thầy giảng trò ghi. Khả năng sử dụng tin học để soạn và giảng bài
bằng giáo án điện tử còn nhiều hạn chế, nhất là ở vùng sâu vùng xa… thì việc tự
bồi dưỡng nâng cao trình độ là một thách thức lớn đối với đội ngũ giáo viên.
Trong khi đó, các trường phổ thông chưa chú ý
nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên. Công tác bồi
dưỡng thường xuyên hiện nay còn hình thức và kém hiệu quả. Hầu hết các cơ sở
đào tạo giáo viên tập trung chủ yếu vào việc đào tạo mới và đào tạo nâng cao
trình độ, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ
giáo viên.
Quy mô đào tạo của các trường ĐH sư phạm và
cao đẳng sư phạm hiện nay bao gồm các hệ: dài hạn chính quy, cử tuyển, vừa làm
vừa học, đào tạo liên thông và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (ngắn hạn) cho các
đối tượng đã được tuyển dụng làm giáo viên nhưng chưa qua đào tạo sư phạm. Nói
chung các hoạt động đào tạo này đều là đào tạo mới và đào tạo nâng cao trình độ
giáo viên.
Công tác đào tạo lại và bồi dưỡng chuyên môn
nghiệp vụ thường xuyên cho đội ngũ giáo viên đang làm việc hầu như còn bỏ
trống. Theo đó, chất lượng học tập đầu vào của các trường sư phạm thời gian qua
cũng không cao khiến cho việc tổ chức các hoạt động dạy và học trên lớp, việc
đổi mới phương pháp giảng dạy cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông, cần
phải có những giải pháp nào nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi
dưỡng giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước trong giai đoạn hiện
nay?
- Trước thực trạng hệ thống các trường đào tạo giáo viên
hiện nay, theo tôi cần quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm, với từng giai
đoạn cụ thể. Với các trường ĐHSP trọng điểm sẽ trở thành trường ĐHSP khu vực,
chịu trách nhiệm đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở khu vực được phân công. Các
trường ĐH địa phương có đào tạo giáo viên, trường CĐSP và TCSP là vệ tinh (hay
trực thuộc) trường ĐHSP trọng điểm.
Ở giai đoạn đầu có thể duy trì những khoa
ngành đào tạo giáo viên ở các trường vệ tinh, dần dần sáp nhập, hoặc đóng cửa
đào tạo giáo viên ở các trường đó. Trong giai đoạn tiếp theo, cho dừng hẳn việc
tham gia đào tạo giáo viên của các trường ĐH địa phương và cả các trường CĐSP,
TCSP. Việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chỉ tập trung vào các trường ĐH sư
phạm trọng điểm.
Lập
trung tâm sát hạch giáo viên để sát hạch giáo viên được đào tạo ra trong phạm
vi toàn quốc. Giáo viên được cấp chứng chỉ hành nghề mới được tham gia giảng
dạy... Việc giảng dạy của giáo viên được tự do trong toàn quốc, cả quốc tế (đầu
tiên là ở các nước ASEAN).
Cùng với đó, thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh. Để
làm được việc này, ngoài những chính sách và biện pháp đã được thực hiện từ
nhiều năm nay như: tuyển thẳng những học sinh phổ thông có học lực khá giỏi,
miễn giảm học phí… thì biện pháp có ý nghĩa quyết định nhất là Nhà nước và các
trường sư phạm phải có chính sách đảm bảo đầu ra cho sinh viên sau khi tốt
nghiệp có việc làm (được làm đúng nghề dạy học ở trường phổ thông).
Thực hiện đổi mới chương trình đào tạo theo
hướng tăng cường các môn đào tạo nghề và năng lực dạy học liên môn, hội nhập
quốc tế; tăng cường thời lượng thực tế chuyên môn. Chương trình đào tạo giáo
viên cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa học lí thuyết với thực hành, thực tập; tri
thức lí luận với tri thức thực tiễn; tri thức khoa học với tri thức kinh nghiệm
và tri thức hành động theo định hướng phát triển năng lực nghề.
Đổi mới công tác thực tập sư phạm và thực tế
chuyên môn, để sinh viên tiếp cận với trường phổ thông ngay từ năm đầu tiên khi
các em bước vào trường ĐHSP để quá trình gắn bó với trường phổ thông được dài
hơn, hiểu biết về phổ thông sâu sắc hơn chứ không phải đợi đến những năm cuối
mới xuống trường phổ thông.
Xin cảm ơn
PGS.TS về cuộc trao đổi này!
Theo Đại Thắng (GD&TĐ)