Đổi mới đào tạo giáo viên

GS.TS. Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh điều này, đồng thời nêu vấn đề: Đổi mới giáo dục gắn liền với đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên. Đó là mối quan hệ nhân - quả. Con người mà nhà trường phổ thông tạo ra trong thời đại ngày nay là nhân cách phát triển toàn diện cho sự hội nhập vào xã hội.

GS.TS. Đinh Quang Báo

Sự phát triển của tri thức khoa học và công nghệ đòi hỏi con người trong xã hội phải có năng lực tự bổ sung, đổi mới sự hiểu biết và kĩ năng hành động. Sự phát triển một thế giới phẳng, phụ thuộc lẫn nhau đòi hỏi mỗi con người tính năng động, sáng tạo cá nhân, đồng thời có ý thức và kỹ năng hợp tác để cùng tồn tại, cùng chung sống. Công nghệ thông tin và truyền thông bùng nổ tạo ra phương tiện giao lưu mới, mở rộng cơ hội, khả năng học tập, mỗi người có thể học dưới nhiều hình thức theo khả năng và điều kiện phù hợp.

Dạy học trong nhà trường không còn là nguồn thông tin duy nhất cho mỗi con người. Trong bối cảnh đó, giáo dục nhà trường tuy vẫn đóng vai trò quyết định nhưng không chỉ truyền thụ kiến thức mà là để HS hình thành năng lực tự học, tự phát triển, thích ứng một cách bền vững. Vai trò của giáo dục nhà trường là làm cho thế hệ trẻ tiếp thu tri thức có mục đích, chọn lọc, hệ thống.

"Trong bối cảnh khoa học, kĩ thuật, công nghệ làm cho kinh tế - xã hội biến đổi nhanh chóng kéo theo đó là sự chuyển dịch giá trị thì giáo viên không chỉ truyền đạt tri thức, mà còn phải phát triển cảm xúc, thái độ, hành vi, năng lực làm chủ và biết ứng dụng tri thức đó. Sứ mạng đó là của giáo viên" - GS.TS. Đinh Quang Báo nhấn mạnh.

Từ xu hướng cơ bản nêu trên của sự đổi mới giáo dục phổ thông, GS.TS. Đinh Quang Báo dẫn giải: UNESCO cho rằng, vai trò của người giáo viên thế kỉ 21 có những thay đổi theo hướng đảm nhiệm nhiều chức năng hơn, trách nhiệm lựa chọn nội dung giáo dục nặng nề hơn. Giáo viên phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức học sinh hoạt động chiếm lĩnh tri thức, coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức đa dạng trong xã hội.

Giáo viên phải biết sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kĩ thuật dạy học, phải tự học để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; yêu cầu hợp tác với đồng nghiệp chặt chẽ hơn, kĩ năng làm việc nhóm, giao tiếp, ứng xử trong các quan hệ xã hội, với cha mẹ học sinh, học sinh và các tổ chức xã hội; yêu cầu giáo viên tham gia hoạt động rộng rãi trong và ngoài nhà trường…

Giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục

Hội nghị Paris về giáo dục đại học nêu tóm tắt yêu cầu với một "NHÀ GIÁO MỚI" là phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản vai trò của họ. Đặc điểm lao động sư phạm của người giáo viên có những thay đổi theo xu hướng đổi mới giáo dục phổ thông, thay đổi vai trò của người giáo viên như đã nêu trên.

Với chức năng mới, giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục, có phẩm chất, nhân cách tốt đẹp để giáo dục học sinh; có năng lực biểu hiện, ở việc hiểu đối tượng và môi trường giáo dục, tổ chức các hoạt động giáo dục; dạy học biểu hiện ở việc nắm vững kiến thức kĩ năng môn học, nắm vững phương pháp dạy học, phân hóa, dạy học tích hợp các khoa học; Bên cạnh đó, giáo viên cần có năng lực tự phát triển nghề nghiệp bằng tự học, tự nghiên cứu và phát hiện, giải quyết vấn đề giáo dục bằng nghiên cứu khoa học. Đó chính là những lĩnh vực cấu thành phẩm chất nghề nghiệp của người giáo viên trong nhà trường phổ thông hiện đại.

GS.TS. Đinh Quang Báo cũng đề xuất, việc xây dựng cơ cấu tổ chức hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên phải theo nguyên tắc xác định đơn vị cấu trúc và tạo được mối quan hệ tương trợ giữa các đơn vị đó. Chính các mối quan hệ này mới tạo ra hoạt động chức năng của hệ thống.

Chức năng chính của hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên là đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục quốc dân. Như vậy, khi thiết kế hệ thống phải hướng vào việc tạo cho nó năng lực nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực đó. Đơn vị cấu trúc của hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên là các cơ sở đào tạo giáo viên. Trước hết đó là các trường sư phạm: Trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm. Các trường sư phạm đó đào tạo giáo viên cho các cấp học: giáo dục mầm non, phổ thông. Bên cạnh đó, còn có các trường đa ngành có đào tạo giáo viên, các viện, học viện vừa nghiên cứu, vừa đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Cũng theo GS.TS. Đinh Quang Báo, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cho ngành giáo dục là những lĩnh vực có quan hệ chặt chẽ, logic với hệ thống. Cơ cấu tổ chức hệ thống cơ sở đào tạo giáo viên là mô hình cấu trúc, được thiết lập để có thể tạo ra mối quan hệ tác động qua lại và chính các mối quan hệ này xác lập được chức năng của hệ thống ở các cấp độ khác nhau: Hệ lớn - Hệ con các bậc tiếp theo. 

Một hệ thống khi được hình thành sẽ có khả năng tự điều chỉnh chức năng dưới tác động của môi trường bên ngoài và môi trường bên trong. Đặc điểm này phải được tính đến khi thiết kế mô hình cấu trúc để sao cho hệ thống hoạt động, vận hành có sự thống nhất hài hoà giữa cơ chế tự chủ, chủ động linh hoạt với cơ chế quản lý hành chính và thích ứng với yêu cầu đổi mới của hệ thống giáo dục.

"Phát triển đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ chiến lược của ngành giáo dục trong khi đào tạo là nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo giáo viên. Giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của quốc gia. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quản lý chặt chẽ các cơ sở đào tạo giáo viên. Quản lý vĩ mô chỉ có hiệu quả khi cấu trúc các cơ sở đào tạo giáo viên thành một hệ thống. Khi thành cấu trúc hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ có tác động qua lại, vừa nâng cao năng lực đào tạo của từng cơ sở, vừa thực hiện được các chức năng mới có tầm vĩ mô trong chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên" - GS.TS. Đinh Quang Báo.

Sỹ Điền