Trước đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc Tọa đàm "Áp lực giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp" tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Yên Bái. Tại đây, Bộ trưởng đã nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý, giáo viên đề cập tới thực trạng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thiếu hiệu quả và mong Bộ trưởng có giải pháp khắc phục.
Chỉ ra những bất cập
Tại cuộc họp, một số bất cập hiện nay trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đã được chỉ ra, đó là: Nội dung chương trình còn chung chung, nặng trang bị thông tin mà chưa gắn với nhu cầu thực tế; các dạng thức, sản phẩm tài liệu chưa phù hợp; phương pháp bồi dưỡng chưa đa dạng; chưa quan tâm đến khâu kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra; chất lượng tập huấn, bồi dưỡng thấp.
Ngoài ra, việc có nhiều đầu mối tham gia tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cũng dẫn tới chồng chéo, trùng lắp nội dung tập huấn. Quan trọng hơn là chưa tạo được động lực để giáo viên coi việc đào tạo, bồi dưỡng là nhu cầu của bản thân, nên nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên mới chỉ dừng lại ở việc "điểm danh, ghi tên".
Rà soát chương trình bồi dưỡng và thay đổi cách làm
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các vụ, cục tiến hành rà soát toàn bộ các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng cán bộ quản lý và bồi dưỡng nâng hạng hiện nay, từ đó xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu và theo chuẩn đầu ra, gắn chặt chẽ với triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh tới yếu tố tự học trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng. Muốn thực hiện được điều đó thì các dạng thức, sản phẩm tài liệu phải phù hợp, trong đó sản phẩm dạng trực quan sinh động thông qua các video clip hướng dẫn là phù hợp hơn cả. Tận dụng tối đa công nghệ thông tin vào phương pháp bồi dưỡng để xóa bỏ dần phương pháp tập huấn truyền thống - tập trung về cùng một địa điểm - vừa tốn kém, lãng phí lại không hiệu quả.
Chú trọng kiểm tra đánh giá và lựa chọn báo cáo viên
Lưu ý đến khâu kiểm tra đánh giá trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, Bộ trưởng yêu cầu, phải kiểm tra đánh giá theo quá trình và đánh giá cuối kỳ, đáp ứng với chuẩn đầu ra. Việc kiểm tra, đánh giá thực hiện trên hệ thống máy tính, đảm bảo khách quan, trung thực và công bằng.
"Phải khắc phục triệt để tình trạng "điểm danh, ghi tên" trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên bằng cách đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng, chú trọng khâu kiểm tra đánh giá. Có như vậy, giáo viên mới gắn quyền lợi và trách nhiệm vào các khóa tập huấn" - Bộ trưởng nêu rõ.
Về đội ngũ báo cáo viên, Bộ trưởng lưu ý, phải là những người phù hợp, có thực tiễn, trong đó khuyến khích mời các giáo viên cốt cán đã được đào tạo, bồi dưỡng làm báo cáo viên.
Nhiệm vụ của 2 Cục chức năng
Để khắc phục tình trạng hiện nay là việc cử giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng ở một số cơ sở giáo dục còn trùng lặp, hay nói cách khác có những giáo viên được đi tập huấn nhiều lần nhưng có giáo viên lại không, Bộ trưởng đề nghị Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục làm đầu mối cập nhật vào cơ sở dữ liệu chung, đảm bảo không có sự trùng lặp người học.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cũng được Bộ trưởng giao nhiệm vụ làm đầu mối xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hàng năm, khắc phục tình trạng nhiều đầu mối như hiện nay. Đồng thời, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế.
Cục Công nghệ thông tin là đầu mối xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo việc tập huấn, bồi dưỡng qua mạng có thể triển khai tới từng trường học, từng giáo viên.
Tới đây, trên 850.000 giáo viên (GV) và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) trên toàn quốc sẽ được bồi dưỡng, phát triển năng lực. Khóa bồi dưỡng sẽ được theo phương thức trực tuyến kết hợp với bồi dưỡng trực tiếp truyền thống trong khuôn khổ Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) của Bộ GD&ĐT. Nội dung chương trình bồi dưỡng sẽ được thiết kế dựa trên dữ liệu khảo sát năng lực, nhu cầu bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực nghề nghiệp của GV & CBQLCSGDPT theo các năng lực của chuẩn nghề nghiệp/chuẩn hiệu trưởng.
HN tổng hợp