PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên
giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã trao đổi với
báo GD&TĐ xung quanh vấn đề trên.
PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ
Đổi mới trước
hết ở người thầy
Theo đánh giá của ông, vai trò trò người thầy hiện
nay đã và đang có sự thay đổi như thế nào, cần phải có những chuyển động ra sao
trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục?
Vai trò của giáo viên đã thay đổi và đang tiếp tục
thay đổi từ địa vị người dạy sang người thiết kế cố vấn, huấn luyện và tạo ra
môi trường học tập. Ngày nay giáo viên phải cố vấn giúp học viên điều chỉnh chất
lượng và độ giá trị nguồn thông tin, kiến thức mới, phải là nhà chuyên môn có đầu
óc mở, biết phê phán độc lập, hợp tác, cộng tác tích cực và điều giải giữa người
học với những gì họ cần biết, là người cung cấp cách hiểu theo kiểu dẫn giáo bắc
cầu. Giáo viên phải chuyển cách dạy từ tiếp cận chủ yếu là nội dung kiến thức
sang cách tiếp cận phát triển năng lực người học, thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng
trong quá trình đổi mới Chương trình và sách giáo khoa phổ thông hiện
nay.
Để cho cá nhân tồn tại và phát triển nhanh trong kỷ
nguyên toàn cầu hóa và số hóa, con người phải được trang bị kĩ năng giải quyết
vấn đề, tư duy sáng tạo và xóa mù thông tin. Cách dạy cổ truyền không thể tạo
ra những công dân thích hợp cho thế kỷ 21. Do vậy, mỗi giáo viên phải không ngừng
phát triển kĩ năng và tri thức của mình bởi sự thay đổi liên tục trong mọi lĩnh
vực xã hội. Niềm tin và thực tiễn dạy học phải thoát khỏi lối tư duy cũ, người
thầy phải có ảnh hưởng tới cách tư duy và học tập có phê phán của trò. Bằng cái
nhấp chuột đơn giản để truy cập thông tin và nguồn lực bất tận, vai trò giáo
viên với tư cách người có quyền đơn thuần truyền bá kiến thức đã bị thay đổi bởi
IT đã sẵn sàng...
Trong áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông
(ICT) và các công nghệ số khác, một số cơ sở GDĐH đã gặt hái kết quả lợi ích, sự
ra đời của học tương tác kêu gọi và chấp nhận các công cụ dạy học và các vai
trò mới của giáo viên. Vai trò giáo viên chuyển sang một định nghĩa mới đa dạng
và rộng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng học tập. Cách giáo viên nhìn nhận
và tương tác với sinh viên như một cá nhân và xúc tác việc học của họ dựa trên
quan tâm hứng thú của từng cá nhân.
Nói chung, với tư cách là một giáo viên có năng suất,
hiệu quả trong kỷ nguyên kĩ thuật số, họ phải biết tìm thông tin thiết thực ở
đâu, giải quyết vấn đề như thế nào và giữ cho việc học đúng đắn ra sao. Người
thầy phải cải tiến phương pháp dạy học và không ngừng trau dồi học hỏi chuyên
môn nghiệp vụ cùng với những phát triển mới...
Yêu cầu cao
song hành với đãi ngộ tương xứng
Theo ông, cuộc cách mạng 4.0 sẽ mang lại những thách
thức và cơ hội gì cho toàn ngành nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng?
Thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức do
toàn cầu hóa, cách mạng số hóa và ICT đưa đến. Không còn cách nào khác là phải
tiến hành cải cách triệt để đổi mới sư phạm.
Một thuận lợi lớn là ngành Sư phạm của chúng ta được
Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Luôn đánh
giá cao vai trò người thầy trên mặt trận giáo dục... Mặt khác, đội ngũ giảng
viên các cơ sở đào tạo sư phạm ngày càng có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.
Các thầy cô giáo vốn có lòng yêu nghề tha thiết, luôn coi trọng tri thức, chăm
lo, dìu dắt thế hệ trẻ, lấy dạy chữ, dạy người làm lẽ sống của mình... Tuy
nhiên, chúng ta đang phải đương đầu với những khó khăn, thách thức không nhỏ của
toàn cầu hóa, quốc tế hóa của cách mạng số trên phạm vi toàn cầu cũng như trên
toàn quốc.
Trong kỷ nguyên thông tin và số hóa này, bên cạnh những
cơ hội tích cực là những thách thức có ảnh hưởng tác động sâu sắc đến giáo dục
và đào tạo, mà trước hết là công tác đào tạo giáo viên.
Hiện nay, các trường sư phạm đang đứng trước một số
khó khăn như: Sức ỳ trong nhận thức của một bộ phận lớn giảng viên và cán bộ quản
lý do quán tính cũ trong suốt thời gian dài; Nguồn lực vật chất và tài chính của
đất nước con hạn hẹp. Chưa tuyển được người có năng lực phù hợp vào ngành sư phạm.
Vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp ra trường
đang ngày một gay gắt… Sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không có việc làm,
trong khi chờ đợi thì một số học tiếp lên cao hay xin làm trái nghề. Nguyên
nhân sâu xa .là xã hội còn thiếu tin tưởng vào đội ngũ giáo viên, nhà trường và
công tác quản lý giáo dục của các cấp.
Ngay giữa các trường ĐH, CĐ sư phạm cũng nảy sinh
nhiều xáo trộn. Hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên rất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu
liên kết hệ thống suốt từ địa phương huyện, tỉnh cho tới trung ương. Số lượng
cơ sở đào tạo giáo viên quá nhiều, 63 tỉnh thành trong cả nước đều có trường
CĐSP, các trường ĐHSP lại đang ở tình trạng dường như đứng ở ngã ba đường…
Một số ĐHSP khác không đứng độc lập mà trở thành trường
thành viên của "ĐH vùng". Các khoa sư phạm trong các ĐH đa ngành hay
chuyên ngành cách đây nhiều năm cũng được "nở rộ" ở các trường trực
thuộc nhiều bộ ngành. Một số tỉnh vừa có trường ĐHSP, vừa có trường CĐSP cùng
thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên phổ thông. Tình hình trên dẫn đến sự chồng
chéo, liên hệ lỏng lẻo mang tính chất tự phát của toàn hệ thống đào tạo giáo
viên. Sự phát triển này chưa được định hướng rõ và theo quy hoạch có tính hệ thống
tổng thể. Đây là những nguyên nhân chính yếu dẫn đến chất lượng giáo dục thấp
và tất nhiên làm hạn chế chất lượng đội ngũ giáo viên.
Với những thách thức nói trên, theo ông công tác đào
tạo bồi dưỡng giáo viên ở các trường sư phạm cần đổi mới ra sao để thích ứng với
thay đổi và yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ thông tin hóa
và số hóa của nền kinh tế 4.0, các cơ sở đào tạo sư phạm phải nhanh chóng đổi mới
mục tiêu, nội dung, hình thức phương pháp dạy học, phương thức đánh giá kết quả
đầu ra của sinh viên, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo hướng thực học, thực
nghiệp và định hướng vào công nghệ mới.
Cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ giáo dục tiên tiến,
áp dụng đào tạo online, kết nối mạng để bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho sinh
viên, giáo viên, giáo sinh tập sự trong hệ thống nối mạng mở rộng và thống nhất
trong toàn quốc và trên toàn cầu. Chỉ có như vậy mới có thể tiếp tục đổi mới
các giải pháp chiến lược quốc gia mới cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo hướng
mở, kết hợp đào tạo ban đầu với đào tạo liên tục; Đào tạo giáo viên ở trường sư
phạm phải gắn với thực tiễn dạy – học ở trường phổ thông; tiếp tục đổi mới
phương pháp dạy - học tiên tiến; kiện toàn công tác quản lí nhà giáo, nhà trường,
nâng cao đãi ngộ người thầy có trình độ, am hiểu ứng dụng công nghệ; Tăng cường
hội nhập quốc tế, hợp tác với các cơ sở đào tạo sư phạm hàng đầu trên thế giới
và trong khu vực; Tôn vinh nghề dạy học đi đôi với đề cao đổi mới vai trò người
thầy; Xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút và sử dụng mạnh
mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài có sẵn cho đào tạo giáo viên nhằm nâng cao năng
lực nghề dạy học trong kỷ nguyên số hóa. Tổ chức lại các trường sư phạm trong
đào tạo giáo viên đặc biệt chú ý vấn đề dạy học môn tích hợp.
"Bên cạnh sự tôn vinh người giáo viên, đề nghị
các bộ ngành (Nội vụ, Tài chính…) cần tăng lương cho giáo viên theo Nghị quyết
của Đảng là: Giáo viên có bậc cao nhất trong khối hành chính thì mới thu hút
được người giỏi vào ngành Sư phạm đồng thời mới thực hiện được đổi mới chương
trình và sách giáo khoa sau năm 2018…"
PGS.TS. Nghiêm Đình Vỳ
|
Theo Đức Hạnh (GD&TĐ)