Tới đây, việc bồi dưỡng giáo viên sẽ được triển khai nhằm đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới và yêu cầu đổi mới giáo dục. Việc bồi dưỡng giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, quy định tại Thông tư số 20/2018 của Bộ GD&ĐT. 

Chuẩn không "làm khó" giáo viên

Cô giáo Phạm Thị Liên, Trường Tiểu học Thanh Lưu (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) cho biết, đợt tập huấn triển khai Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (Thông tư số 20) là cơ hội để cô và đồng nghiệp hiểu rõ hơn nội dung cốt lõi cũng như tinh thần nhân văn của thông tư. Soi vào thông tư, đối chiếu với các tiêu chuẩn, tiêu chí, bản thân mỗi giáo viên nhận ra điểm thiếu khuyết về năng lực, kỹ năng để tự bồi dưỡng, hoàn thiện, qua đó hoàn thành nhiệm vụ. "Mặc dù các giáo viên đều nhận ra thiếu khuyết của mình nhưng chúng tôi không cảm thấy áp lực, vì thông tư đã tạo cơ hội cho những giáo viên như tôi học hỏi, nâng cao trình độ, phát triển bản thân, giúp chúng tôi có nhu cầu hơn về phát triển năng lực nghề nghiệp".

Đặc biệt tâm đắc chất nhân văn của chuẩn giáo viên mới ban hành, thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng, điểm nổi bật của thông tư là những quy định không mang tính hình thức, không dùng kết quả đánh giá để luân chuyển, điều động cán bộ, cũng không dùng kết quả đánh giá theo chuẩn làm tiêu chí để đánh giá, bình xét thi đua. "Thông tư có tính mở, với biên độ rất rộng, thể hiện qua việc định hướng cho người ta phấn đấu, rèn luyện và có một chu trình rất rõ".

Về quy trình đánh giá, Thông tư số 20 nêu rõ: "Giáo viên tự đánh giá theo chu kỳ 1 năm một lần vào cuối năm, để tự xác định mức độ đạt được theo chuẩn, từ đó xây dựng kế hoạch rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đánh giá giáo viên theo chu kỳ 2 năm một lần". Quy định chuẩn không "làm khó" giáo viên mà tạo động lực để mỗi người không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

"Chiếc gương" để nhà giáo tự soi, tự sửa

Nhiệm vụ "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục" đang đặt ra trọng trách không nhỏ đối với những người làm nghề giáo trong việc đảm nhận sứ mệnh cao cả "trồng người". Chương trình bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo theo những yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên giúp mỗi nhà giáo ở cương vị công tác của mình, thường xuyên tự học tập và rèn luyện để nâng cao mức đạt được theo các yêu cầu của chuẩn.   

Thông tư số 20 đánh giá giáo viên có 5 tiêu chuẩn, 15 tiêu chí. Tiêu chí được mô tả theo từng mức cụ thể (đạt, khá, tốt và không đạt). Trong quy trình đánh giá, phải lấy ý kiến của đồng nghiệp. Đặc biệt, chu kỳ đánh giá 2 năm/lần. Kết quả đánh giá xếp loại theo chuẩn dựa trên minh chứng, chứ không tính theo điểm, bảo đảm sự khách quan. 

Thầy Nguyễn Minh Quý cho rằng, Thông tư số 20 đã tiếp cận vấn đề rất nhân văn của giáo dục đào tạo, người thầy cần đạt được những giá trị cốt lõi vì sự phát triển, vì quyền lợi, hạnh phúc của mỗi học sinh.

Cô Phạm Thị Hải, Trường THPT Mai Sơn (Sơn La) cho biết: Một trong những điểm yếu của giáo viên hiện nay chính là sự thụ động và ngại thay đổi. Nhiều giáo viên về trình độ công nghệ thông tin còn non khiến cho tiếp cận các thông tin và kiến thức giáo dục trên internet còn chậm. Theo cô Hải, để triển khai và hướng giáo viên tới việc tự bồi dưỡng qua công nghệ thông tin, các phòng, Ban giám hiệu cần có chỉ đạo cụ thể. Việc tự bồi dưỡng phải có đánh giá qua các bài kiểm tra trực tuyến, qua đó có đối chiếu và kiểm chứng đối với từng cá nhân. Các giáo viên cần có tài khoản tham gia bồi dưỡng, và những kết quả làm được sau bồi dưỡng phải có đánh giá thực tế. Có như vậy mới tránh trường hợp làm hộ và sao chép lẫn nhau trong các tập thể. Cô Hải cho rằng, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên là động lực để giáo viên phấn đấu, giáo viên có điều kiện nhìn nhận quá trình phấn đấu của mình, đánh giá lại bản thân để biết mình yếu/thiếu điểm gì để "tự soi, tự sửa". 

Thầy Phạm Ngọc Cảnh, Trường THPT Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, Sơn La) tâm đắc những điểm mới quan trọng của Thông tư số 20, đó là quan điểm nhìn nhận mang tính chất định hướng, cách đánh giá năng lực của giáo viên, để trên cơ sở đó, mỗi người có kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, cơ sở giáo dục giúp giáo viên lựa chọn các modul bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch để bồi dưỡng đội ngũ. Theo thầy Cảnh, "thông tư lần này coi trọng nguồn minh chứng, tôi cho là rất phù hợp, minh chứng càng xác thực thì kết quả đánh giá càng có sức thuyết phục".

Chuẩn như là cái gương soi, để hàng ngày, hàng tuần, giáo viên soi vào đó xem mình còn thiếu những gì, đã tiến bộ, phát triển đến đâu, nhìn vào "chuẩn" để tự soi, tự sửa, nỗ lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ của mình". Có thể nói, việc Bộ GD&ĐT ban hành những văn bản quy định chuẩn nghề nghiệp có  ý nghĩa lớn đối với việc phát triển năng lực hiệu trưởng/giáo viên trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Theo Mai Thủy (nguoidaibieunhandan)