Mâu thuẫn với thực tế
Tại
phiên Giải trình về thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng
đội ngũ giáo viên và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ngày cuối tháng 9 vừa qua,
đại biểu Quốc hội đã chất vấn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Bộ Nội vụ
về tình trạng thừa thiếu giáo viên, việc thực hiện chính sách cắt giảm 10% biên
chế.
Theo
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, Hà Nội mỗi năm tăng 20.000 học sinh.
Chúng tôi rất khó khăn nếu không tăng biên chế giáo viên, chưa nói đến phải
thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế. Cũng là vấn đề nan giải, Phó chủ tịch
tỉnh Cà Mau - ông Trần Hồng Quân cho biết, mỗi năm địa phương tăng 10.000 dân
số cơ học. Tỉnh làm rất quyết liệt vấn đề hệ số giáo viên/lớp nhưng biên chế
vẫn theo đà đi lên. Việc phải thực hiện chủ trương giảm biên chế ngành giáo dục
như “đánh đố” với tỉnh. Học sinh tăng mạnh theo từng năm trong khi giáo viên
thiếu nghiêm trọng nhưng lại bị cắt giảm biên chế 10% mỗi năm. Như vậy là mâu
thuẫn với thực tế.
Về
vấn đề tinh giản biên biên chế, theo bà Văn Thị Bạch Tuyết - đoàn TPHCM thì cần
phải có lộ trình. Bộ Nội vụ nên nghiên cứu, giao cho các tỉnh thành đang tự chủ
ngân sách được quyền quyết định biên chế viên chức của giáo dục trong điều kiện
ngân sách có thể tự cân đối.
Ông
Chu Lê Trinh (đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) băn khoăn: Tình trạng thừa/thiếu giáo
viên xảy ra trên cả nước kéo dài nhiều năm, đến nay chưa có giải pháp khắc
phục, gây bất cập trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Theo báo cáo của Bộ
GDĐT, hiện đang thiếu trên 40.000 giáo viên. Thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến
việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học
2019-2020 như thế nào? Còn cắt giảm biên chế thì lấy đâu ra giáo viên để giảng
dạy.
Còn
bà Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) thì phân tích đặc thù của ngành giáo dục: Số
lượng giáo viên còn thiếu là quá lớn, dẫn đến phải hợp đồng giảng dạy. Giáo dục
cần một quá trình để giáo viên theo dõi tâm lý, đánh giá chất lượng học tập từ
đó mới có biện pháp uốn nắn, dạy dỗ đúng cách. Trong khi hợp đồng giáo viên có
thời hạn không ổn định, có người năm trước/học kỳ trước được dạy năm sau/học kỳ
sau bị buộc nghỉ, nên không thể theo sát học sinh để phát triển các em. Chất
lượng giáo dục vì thế không được đảm bảo.
Lý
giải vấn đề này, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, đây là hệ lụy của
các chính sách từ trước năm 2015. Thời điểm đó, Bộ Nội vụ không được tham gia
vào quyết định biên chế sự nghiệp của địa phương mà toàn quyền thuộc về UBND
các tỉnh. Việc định mức biên chế khi đó không có sự rà soát nhu cầu thực tế nên
thiếu phù hợp, điểm này có phần trách nhiệm của Bộ GDDT. Tăng dân số cơ học
giữa các địa phương cũng là nguyên nhân khiến thừa thiếu giáo viên cục bộ. Từ
năm 2016 đến nay, Bộ Nội vụ được giao thẩm định tổng biên chế sự nghiệp của các
địa phương nhưng không duyệt cho từng ngành cụ thể.
Về
việc giảm biên chế giáo dục, theo ông Thăng, Nghị quyết 39 (năm 2015) của Chính
phủ về tinh giản biên chế, cho phép y tế, giáo dục nếu tăng giường bệnh, học
sinh có thể tăng biên chế, tuy nhiên kết luận số 17 (năm 2017) của Bộ Chính trị
không còn ngoại lệ nào. “Kể cả giáo dục có tăng trường lớp, tăng học sinh thì
vẫn phải tinh giản biên chế”, Thứ trưởng Nội vụ nói và giải thích cái cần giảm
ở đây là biên chế hưởng lương ngân sách chứ không riêng về giáo viên. Tỷ lệ
giảm này là tổng biên chế sự nghiệp, còn địa phương tự cân đối mức giảm của
từng ngành.
Địa phương phải giải quyết bài toán nhân sự
Vẫn
biết cắt giảm biên chế giáo dục hiện nay sẽ gây khó khăn cho địa phương, nhưng
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng vẫn phải thực hiện Nghị quyết 19 về
tinh giản biên chế. Theo ông hướng giải quyết được là tập trung giảm ở bộ phận
phục vụ còn giáo viên phải đảm bảo đủ để giảng dạy cho học sinh. Theo ông Nhạ,
việc cần làm là tăng cường tính chủ động cho địa phương có năng lực để tự giải
quyết bài toán nhân sự.
Chủ
nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho
rằng giáo dục được xác định là quốc sách, là lĩnh vực thuộc trách nhiệm nhà
nước khi yêu cầu phổ cập giáo dục. Việc xử lý các vấn đề liên quan đến biên chế
nhà giáo do đó cần có tính đặc thù, lấy số lượng học sinh làm tiêu chuẩn để xác
định chỉ tiêu, bố trí giáo viên. Hai Bộ GDĐT và Nội vụ cần thống nhất trong
việc giải quyết bài toán biên chế ngành giáo dục, có sự rà soát nhu cầu thực tế
để tham mưu Chính phủ đưa ra các quyết sách phù hợp.
Hiện,
nhiều địa phương đang cắt, giảm biên chế giáo viên, nhất là đối tượng giáo viên
hợp đồng, theo Nghị quyết 19-NQ/TW để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% biên chế
vào năm 2021. Việc giảm biên chế “cứng nhắc” ở một số địa phương dẫn đến tình
trạng nhiều giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, hoặc nhiều nơi thiếu giáo
viên đứng lớp nhưng biên chế thì không được tăng thêm.
Phân
tích nguyên nhân gây nên tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, ông Hoàng Đức
Minh cho biết với trách nhiệm quản lý chuyên ngành, Bộ GDĐT đã nghiên cứu và
phối hợp cùng Bộ Nội vụ để ban hành đầy đủ các định mức về số học sinh/lớp, số
giáo viên/lớp. Tuy nhiên, tình trạng tăng dân số cơ học tại một số đô thị lớn,
các khu công nghiệp tạo áp lực lớn lên hệ thống trường lớp cũng như đội ngũ
giáo viên. Trong khi tại những điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, miền núi dù số
học sinh/lớp ít hơn định mức song vẫn phải duy trì giáo viên cắm bản. Bên cạnh
đó, một số địa phương đã tuyển dụng giáo viên không theo đúng nhu cầu thực tế,
sai quy định.
Để
giải quyết vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ, ông Minh cho rằng cần nhìn nhận
từ thực tế dân số tăng thêm sẽ cần thêm nhiều trường học, lớp học và giáo viên.
Vì vậy, ông Minh cho rằng với những địa phương thiếu giáo viên, nhất thiết phải
tuyển dụng đủ để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, đồng thời các địa phương cần
có lộ trình trong 1-2 năm để bồi dưỡng, đào tạo lại, sắp xếp, điều chuyển số
giáo viên dư thừa.
Tính đến thời điểm ngày 15/8/2018, số lượng đội ngũ giáo
viên mầm non, phổ thông toàn quốc có 1.161.143 người. Trong đó, mầm non:
309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập
390.873, ngoài công lập 4.975); THCS: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập
4.825); THPT: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).
So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo
viên còn thiếu sau khi đă được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989
người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS:10.143 người;
THPT:3.161 người).
Theo Thanh Minh (daidoanket)