Người hưởng lợi chính của quá trình này là thầy cô của các trường tiểu học, THCS, THPT. Nhưng giảng viên sư phạm khi xây dựng tài liệu bồi dưỡng và tham gia bồi dưỡng giáo viên, cũng thu về cho mình nhiều hiểu biết, kinh nghiệm để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Cập nhật yêu cầu mới, đổi mới cách giảng dạy
Là giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM, thầy Phạm Đình Văn được điều động tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông để triển khai Chương trình GDPT 2018 theo chương trình ETEP mà Bộ GD&ĐT cùng các trường sư phạm trọng điểm tổ chức từ năm 2019 đến nay. Thực hiện nhiệm vụ này, nam giảng viên vô cùng hào hứng. Bởi lẽ một trong những đòi hỏi quan trọng của công tác đào tạo sinh viên sư phạm mà thầy đang thực hiện, là phải sát thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của đời sống dạy học phổ thông cũng như định hướng đổi mới giáo dục của đất nước.
Tham gia chương trình ETEP, giảng viên sư phạm chủ chốt Phạm Đình Văn được tập huấn để cập nhật toàn bộ kiến thức về Chương trình GDPT 2018. Các nội dung, yêu cầu, mục tiêu, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá mới… của chương trình phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh mà lần đầu tiên Việt Nam triển khai, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế, chuyên gia của Bộ GD&ĐT cung cấp đầy đủ, hướng dẫn kỹ lưỡng. Quá trình này, với phương pháp tập huấn theo cách phát triển năng lực, hình thức khác biệt - kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến - chú trọng tự bồi dưỡng, năng lực chuyên môn của giảng viên sư phạm chủ chốt được nâng lên 1 bậc. Đó vừa là cập nhật được kiến thức mới về Chương trình GDPT 2018, vừa được hình thành và phát triển các năng lực, kỹ năng mới theo đúng yêu cầu mà chương trình đề ra.
"Các giảng viên sư phạm cần phải biết về Chương trình GDPT mới để kết nối với chương trình đào tạo hiện hành để đào tạo ra những sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng các yêu cầu dạy học mới. Chúng tôi đồng thời hướng dẫn sinh viên tìm hiểu về Chương trình GDPT 2018, để thầy-trò cùng vận dụng, chuyển sang cách giảng, cách học mới theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho chính sinh viên", giảng viên Phạm Đình Văn nói.
Nam giảng viên cho rằng, hoạt động bồi dưỡng giáo viên phổ thông của giảng viên sư phạm đã thực hiện được mục tiêu kép. Đó là nâng cao năng lực dạy học của giáo viên phổ thông để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới; nâng cao năng lực sư phạm của giảng viên, từ đó góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai đáp ứng yêu cầu của chương trình. Ngoài ra, giảng viên sư phạm cũng được "làm mới mình" khi nắm bắt được thực tế dạy học của giáo viên phổ thông, từ đó điều chỉnh lại quá trình giảng dạy ở trường đại học cho phù hợp.
Hiểu sâu thực tế dạy học phổ thông để điều chỉnh việc dạy ở đại học
"Có cái nhìn bên trong vào thực tế dạy học phổ thông, để khai thác, điều chỉnh việc giảng dạy ở đại học cho phù hợp", đó cũng là điều mà giảng viên Nguyễn Thị Ngọc Dung - Trường Đại học Sài Gòn tâm đắc khi tham gia bồi dưỡng giáo viên theo chương trình ETEP. Nữ giảng viên cho biết, khi tiếp xúc với giáo viên dạy học phổ thông, cũng như việc thường xuyên, liên tục trao đổi qua mạng để hỗ trợ giáo viên trong quá trình bồi dưỡng, cô nhận ra có nhiều tình huống, vấn đề phát sinh trong thực tế dạy học mà ở giảng đường sư phạm cô chưa từng biết tới.
"Khi đó tôi có cái nhìn sâu vào thực tế dạy học, để triển khai dạy cho các sinh viên - những nhà giáo tương lai với phương pháp, nội dung phù hợp hơn; để các em khi bước ra môi trường làm việc không bị bỡ ngỡ với những vấn đề thực tế này", nữ giáo viên nói. Cô đồng thời khẳng định, hoạt động bồi dưỡng giáo viên phổ thông chính là cách để giảng viên sư phạm học hỏi, nâng cao thêm năng lực chuyên môn gắn với thực tiễn của các nhà trường.
Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thùy Nhung - Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế cho rằng, gắn kết lý luận dạy học với thực tế triển khai ở các trường phổ thông chính là mục tiêu quan trọng mà các trường sư phạm hướng tới để nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo. Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế xưa nay vẫn chú trọng hoạt động này để có những điều chỉnh phù hợp trong nội dung chương trình giảng dạy, mục tiêu, chuẩn đầu ra, nhằm đáp ứng được đòi hỏi của thực tế.
Những vướng mắc của người học, cách vận dụng hay của giáo viên phổ thông, hay nội dung bồi dưỡng đã mang lại hiệu quả tốt trong thực tế dạy học… tất cả đều là bài học bổ ích cho giảng viên sư phạm mở rộng hiểu biết, nâng cao năng lực chuyên môn.
Theo thanhnien.vn