Trải nghiệm thực tế dạy học cũng như khi tham gia nhiều diễn đàn giáo dục lớn, cô giáo đến từ Trường THPT số 3 Lào Cai có những chia sẻ tâm huyết, giúp người giáo viên bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của giáo dục, đặc biệt khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Hiểu thấu đáo về dạy học phát triển năng lực

* Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển từ cách dạy truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực. Từ thực tế dạy học, theo chị, giáo viên gặp phải khó khăn gì khi thực hiện điều này?

- Từ thực tế dạy học, tôi thấy giáo viên hiện nay gặp nhiều khó khăn khi thực hiện việc dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. 

Để đáp ứng yêu cầu dạy học, đáp ứng yêu cầu mới, tôi cho rằng, giáo viên cần tự chủ trong xây dựng những nội dung dạy học đảm bảo học sinh vận dụng các kiến thức của nhiều môn học, nhiều lĩnh vực để giải quyết được vấn đề.

Thứ hai, do nội dung thay đổi, không thể thực hiện dạy học theo kiểu truyền thụ kiến thức một chiều, do đó giáo viên cần phải biết và sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học hiện đại, phương pháp dạy học tích cực như dạy học dự án, mô hình lớp học đảo ngược….

Thứ ba, việc kiểm tra đánh giá cũng thay đổi, thay vì chỉ kiểm tra theo định kì như trước đây, giáo viên cần phải có những cách thức theo dõi quá trình học tập của học sinh để đánh giá cả quá trình học và sau quá trình học.

Do đó, giáo viên cần được tập huấn sâu về những điểm mới này qua các buổi tập huấn tập trung do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức. Ngoài ra, các thầy cô cũng cần tự bồi dưỡng và theo học các khóa học do các tổ chức ngoài công lập tổ chức để nâng cao trình độ và tiếp cận kịp thời những đổi mới đáp ứng yêu cầu của việc dạy học trong thời đại 4.0, công nghệ số hóa.

* Cụm từ dạy học phát triển năng lực được nhắc tới nhiều nhưng chưa chắc các giáo viên đã hiểu thấu đáo. Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, chị hiểu và thực hành dạy học theo hướng phát triển năng lực như thế nào?

- Để hiểu thấu đáo, đầu tiên cần biết năng lực là gì? Năng lực là khả năng của một người sử dụng tổng hợp tất cả các kiến thức, kĩ năng, thái độ sẵn sàng hành động để giải quyết thành công nhiệm vụ học tập cũng như một vấn đề trong cuộc sống. 

Do đó trong dạy học phát triển năng lực, giáo viên thường tổ chức các chủ đề dạy học liên quan đến vấn đề nảy sinh từ trong thực tiễn cuộc sống giúp học sinh vận dụng các kiến thức của nhiều môn học để giải quyết. Với cách tổ chức dạy học này, học sinh sẽ được phát triển các phẩm chất như sống yêu thương, tự chủ, sống có trách nhiệm; đồng thời với đó là các năng lực giải quyết vấn đề, năng lực thực nghiệm, hợp tác, giao tiếp, công nghệ thông tin, thẩm mĩ, năng lực tự học…

Ví dụ, khi tổ chức chủ đề về ô nhiễm môi trường biển, vấn đề học sinh cần phải giải quyết là: Hiện trạng ô nhiễm môi trường biển hiện nay? Nguyên nhân là gì? Làm thế nào để làm sạch môi trường biển? 

Học sinh sẽ làm việc theo nhóm và tự đi tìm hiểu kiến thức ở các kênh khác nhau, như sách giáo khoa, mạng Internet, người dân, thầy cô… để trả lời được các câu hỏi trên. Có nhóm sẽ đưa ra, thực hiện những giải pháp khác nhau, như tuyên truyền, nhặt rác, thiết kế máy thu gom và tái chế rác... sau đó thử nghiệm và đánh giá tính hiệu quả của mỗi giải pháp.

Hiện tôi đã và đang thực hiện một dự án STEM toàn cầu với chủ đề "Hành động vì một môi trường sạch cho tương lai". Có rất nhiều giáo viên Việt Nam cũng như các nước tham gia dự án với mong muốn duy nhất là giúp thế hệ trẻ tự xây dựng và bảo vệ môi trường sống thật sạch, kéo dài tuổi thọ của Trái đất cũng như của muôn loài đang tồn tại trên Trái đất này.

Giáo viên và công nghệ kết nối yêu thương

* Theo chị, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển năng lực, người giáo viên cần chuẩn bị những gì? Ngoài nỗ lực bản thân, họ có cần hỗ trợ?

- Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển năng lực, người giáo viên cần sẵn sàng đổi mới và mong muốn đổi mới. Họ cần trang bị kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực, những phương pháp và hình thức tổ chức dạy học hiện đại và sáng tạo; biết và sử dụng sáng tạo công nghệ thông tin trong dạy học như các công cụ của Microsoft - Office 365, của Google… Thời đại của chúng ta là thời đại công nghệ số hóa, công nghệ 4.0, nhưng không hề khô khan như robot, mà là công nghệ kết nối yêu thương. 

Hiện nay, giáo viên ở Việt Nam nói riêng cũng như giáo viên trên toàn thế giới đang sử dụng công cụ Skype để thực hiện những tiết học, bài học xuyên biên giới, xuyên lục địa. Tình cảm của học sinh, giáo viên đã không chỉ trong phạm vi một lớp, một trường, một nước mà một cộng đồng toàn cầu.

* Vậy giáo viên cần chuẩn bị những gì để đáp ứng tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới?

- Theo tôi, giáo viên cần chuẩn bị sẵn tâm lí và trang bị cho mình những kiến thức về đổi mới dạy học, trang bị những kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực, nhiều bộ môn, những phương pháp dạy học hiện đại, cách thức kiểm tra đánh giá năng lực học sinh, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin hiện đại trong dạy học, các mô hình dạy học mới như dạy học tích hợp, dạy học theo định hướng STEM/STEAM để đáp ứng tốt Chương trình mới.

Muốn vậy, mỗi thầy cô hãy luôn không ngừng học tập từ đồng nghiệp, từ các cộng đồng giáo viên; từ các khóa học nâng cao trình độ. Đặc biệt quan trọng là khả năng tự học của mỗi người. Học đến đâu vận dụng trong dạy học đến đó và theo thời gian năng lực của mỗi thầy cô sẽ đáp ứng được yêu cầu của đổi mới. 

Như thực tế bản thân, kể từ khi tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, sáng tạo hơn rất nhiều, từ đó, giúp các thế hệ học sinh cùng sáng tạo và sáng tạo hết khả năng.

* Xin cảm ơn chị!

Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)