Từ năm học 2021 - 2022, chương trình GDPT mới sẽ áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Đáng chú ý, ở bậc THCS sẽ xuất hiện một số môn học tích hợp. Việc thay đổi nội dung SGK đồng nghĩa với việc kiểm tra, đánh giá các môn học này cũng sẽ thay đổi.

Theo PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên 2018, trong chương trình mới, sách mới sẽ chú trọng đánh giá năng lực của học sinh, điều này được tích luỹ qua cả quá trình học tập dài, có kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, khơi gợi khả năng liên hệ kiến thức của học sinh hơn là việc phải học thuộc, học ghi nhớ. Kết thúc mỗi phần học, đều có đánh giá định kỳ năng lực của học sinh.

Việc thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá cũng đặt ra cho giáo viên yêu cầu tự học hỏi, trao dồi thêm kỹ năng, kiến thức để có những cách kiểm tra đánh giá phù hợp, sao cho phát triển được năng lực toàn diện của học sinh. Để chuẩn bị cho giáo viên có đủ kiến thức kỹ năng bước vào chương trình GDPT mới, trong 9 modul bồi dưỡng giáo viên thuộc Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) có modul bồi dưỡng, hướng dẫn giáo viên về cách kiểm tra, đánh giá.

Trước thềm năm học mới, Cô Hà Thị Thanh Nhàn, trường THCS Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An cho biết vừa hoàn thành các nội dung tập huấn về cách kiểm tra đánh giá, qua quá trình học, cô có thêm nhiều kiến thức thiết thực về kiểm tra đánh giá theo quy định mới.

"Nếu như trước đây, giáo viên chủ yếu chỉ kiểm tra đánh giá định kỳ, thì nay phải chuyển dần sang đánh giá bằng cả quá trình. Bên cạnh đó, trong quá trình tập huấn, giáo viên cũng được cung cấp thêm nhiều công cụ kiểm tra đánh giá để từ đó phát huy được phẩm chất, năng lực của học sinh. Sau khi được trang bị những kỹ năng cần thiết về kiểm tra đánh giá, bản thân tôi thấy tự tin hơn, bớt lo lắng khi lần đầu thực hiện Chương trình GDPT mới", cô Nhàn cho biết.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên cốt cán Trường Tiểu học Thị trấn Tân Kỳ huyện Tân Kỳ, Nghệ An cho biết, ở chương trình cũ, giáo viên chủ yếu tự mày mò phương pháp thiết kế các bài kiểm tra đánh giá học sinh. Nhưng khi bước vào chương trình mới, giáo viên được tập huấn bài bản hơn, biết thêm nhiều cách thiết kế bài kiểm tra, cách làm đề, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá.

 "Chương trình GDPT mới có rất nhiều thay đổi về kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực cho học sinh, đòi hỏi giáo viên cần chủ động tìm những cách làm mới, phù hợp với đối tượng học sinh của mình. Nếu trước đây, các bài kiểm tra thiên về đánh giá kiến thức, thì trong chương trình mới sẽ linh hoạt hơn về hình thức đánh giá và tiêu chí đánh giá học sinh. Đơn cử như trước đây, trong phân phối chương trình, mỗi bài kiểm tra 15 phút cũng cần ghi rõ sẽ đưa vào tiết nào, bài nào, nhưng hiện nay, giáo viên sẽ chủ động kiểm tra theo thực tế bài dạy.

Ví dụ, với những lớp học sinh học còn hơi yếu ở kỹ năng nói hay viết, giáo viên muốn các em phát triển hơn kỹ năng nào thì có thể đánh giá thường xuyên ở nội dung đó sao cho phù hợp. Hơn nữa, khi kiểm tra không chỉ là những bài viết thông thường, mà có thể cho học sinh làm báo cáo, thảo luận, báo tường…",  cô Thúy nói.

Cô Nguyễn Hường, giáo viên môn Tiếng Anh bậc THCS tại Hải Dương cũng cho biết, sau khi tham gia tập huấn, giáo viên rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình thực tế, từ cách dạy học sao cho nâng cao năng lực cho học sinh, phát huy được tinh thần tự học, tự chủ, giao tiếp và hợp tác, sự sáng tạo ở các em… Để đạt được những kỹ năng đó, thì việc kiểm tra đánh giá cũng cần có nhiều thay đổi.

"Trước đây phương pháp của tôi chỉ là ra đề kiểm tra, cho học sinh làm bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, cuối kỳ. Nhưng theo hướng dẫn từ các cuộc tập huấn của Bộ GD&ĐT, giờ đây giáo viên có thêm nhiều cách đánh giá phong phú hơn như hỏi đáp, chấm điểm qua thuyết trình, quan sát từ những sản phẩm của học sinh, cho các em làm bài tập nhóm và đánh giá… Những phương pháp này rất phù hợp với môn tiếng Anh, giúp các em cải thiện khả năng nghe nói, phản xạ với ngoại ngữ thay vì chỉ tập trung vào học ngữ pháp là chủ yếu như trước đây. Bước vào chương trình mới, bỡ ngỡ là điều khó tránh khỏi, nhưng khi tham gia tập huấn cùng giáo viên cốt cán, có cơ hội trao đổi học tập trực tuyến cùng hàng trăm đồng nghiệp khác trên nền tảng trực tuyến LMS, tôi đã học thêm được nhiều cách làm mới, tự tin hơn bước vào chương trình mới", cô Hường cho biết.

Theo VOV.VN