Ngày 5/2/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông để xin ý kiến dư luận.

Theo dự thảo, hàng năm hiệu trưởng và hiệu phó sẽ được đánh giá, xếp loại và công khai kết quả. Thành phần tham gia đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, hiệu phó trường phổ thông có phụ huynh học sinh, cộng đồng. Quy định trước đây chỉ có cấp ủy Đảng, Ban chấp hành Công đoàn và Đoàn thanh niên nhà trường, cán bộ giáo viên, nhân viên, cơ quan quản lý trực tiếp... được đánh giá.

"Hiệu trưởng chủ trì đánh giá hiệu phó; Ban giám hiệu bầu người chủ trì đánh giá hiệu trưởng. Nhà trường lấy ý kiến giáo viên, nhân viên, ý kiến của cha mẹ học sinh, cộng đồng và tổng hợp, gửi cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên", dự thảo nêu. Để đảm bảo khách quan, ý kiến đánh giá của phụ huynh sẽ được giữ bí mật và không cần đề danh tính.

Căn cứ vào kết quả đánh giá, cơ quan chủ trì sẽ xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng cán bộ quản lý theo chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông mới.

Trong tương lai, phụ huynh học sinh và cộng đồng được tham gia đánh giá chất lượng hiệu trưởng (ảnh: Quỳnh Trang)

Dự thảo đề ra 8 tiêu chuẩn và 21 tiêu chí cho hiệu trưởng. Cụ thể, hiệu trưởng phải có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt; có kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm, hỗ trợ giáo viên phát triển nghiệp vụ sư phạm; sử dụng được ngoại ngữ (hoặc tiếng dân tộc thiểu số đối với hiệu trưởng công tác ở vùng dân tộc thiểu số) và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc...

Trong tiêu chuẩn về năng lực quản trị, hiệu trưởng sẽ lập kế hoạch phát triển nhà trường, xây dựng tổ chức bộ máy, quản trị tài chính... Hiệu trưởng phải tổ chức kiểm tra đánh giá và chịu trách nhiệm giải trình về các hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh.

Hiệu trưởng được "đề xuất để tuyển dụng giáo viên, nhân viên có phẩm chất và năng lực chuyên môn tốt; tạo được động lực, cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên cho giáo viên, nhân viên trong trường", dự thảo quy định.

Người hiệu trưởng chuẩn trong tương lai còn phải đạt các yêu cầu về năng lực xây dựng môi trường dân chủ trong trường học. Theo đó, người này phải chỉ đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, tạo điều kiện cho các chủ thể trong nhà trường tham gia, giám sát và có ý kiến về các hoạt động giáo dục.

Nguồn: Vnexpress