Hiện nay còn khoảng 40% giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo mới (đại học sư phạm), được biết, thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên từ trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm lên đại học sư phạm. 

Trong đó, đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại từ 5 năm trở lên, Bộ chỉ đạo các trường đại học sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với việc bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới theo hình thức "cuốn chiếu" cùng với lộ trình triển khai hàng năm ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp.


Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, muốn có giáo viên giỏi thì cần có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, chọn lọc rồi đánh giá, đãi ngộ tốt chứ không đơn thuần chỉ dựa vào bằng đại học

Còn với những giáo viên chưa đạt trình độ đại học còn thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm, các địa phương phối hợp với các trường sư phạm tổ chức các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo các chuyên đề phù hợp. Trước vấn đề nâng chuẩn giáo viên tiểu học, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định: 

"Ở các nước, giáo dục bậc mầm non, tiểu học rất được quan tâm vì họ quan niệm cấp học đầu tiên là cực kỳ quan trọng đối với quá trình phát triển của một con người nên quá trình tuyển chọn rất cẩn thận và giáo viên ở 2 cấp học này không được phép sai lầm.  Hơn nữa, hiện nay ở Hàn Quốc, Hà Lan… họ yêu cầu giáo viên tiểu học phải có trình độ thạc sĩ chứ không chỉ là trình độ cử nhân. Do đó, việc nâng chuẩn chất lượng giáo viên tiểu học ở nước ta hiện nay dù muộn nhưng vẫn là cần thiết".

Tuy nhiên, thầy Lâm khuyến cáo rằng: "Muốn có giáo viên giỏi thì cần có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, chọn lọc rồi đánh giá, đãi ngộ tốt chứ không đơn thuần chỉ dựa vào bằng cấp là tốt nghiệp đại học.  Nếu chỉ dựa vào bằng cấp thì chúng ta ăn của "giả" hết bởi lẽ muốn có bằng cấp thì ngay lập tức có liền". 

Đánh giá về chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên tiểu học hiện nay, thầy Lâm cho rằng: Nghề giáo là nghề tự học cho nên lâu nay có rất nhiều người thầy giỏi mặc dù có thể bằng cấp không cao do đó, đối với những giáo viên này thì chúng ta cần tiếp tục tạo điều kiện cho họ, không vì tiêu chuẩn bằng cấp mà loại họ ra khỏi ngành. Có nghĩa là, giáo viên nào có năng lực sư phạm, có lòng yêu trẻ thực sự, có nhiều sáng tạo trong quá trình giảng dạy thì cần trân trọng họ.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới sẽ nâng chuẩn trình độ giáo viên từ trung cấp, cao đẳng sư phạm lên đại học. Trong khi mấy năm gần đây, đặc biệt mùa tuyển sinh 2017, trái ngược với các ngành công an, quân đội, hay kinh tế... điểm chuẩn đầu vào cao ngất ngưởng thì các trường sư phạm, nơi đào tạo các thế hệ thầy cô tương lai lại có điểm chuẩn "chạm đáy".

Lúc này, nhiều người băn khoăn rằng, với sinh viên có điểm đầu vào chỉ 9-10 điểm/ 3 môn như vậy mà chúng ta giờ yêu cầu nâng chuẩn giáo viên có nghĩa là họ sẽ học từ trung cấp, cao đẳng lên đại học liệu có đảm bảo về chất lượng như kế hoạch, kỳ vọng của ngành giáo dục hay không?

Về vấn đề này, thầy Tùng Lâm nhận định: "Trên thực tế có sinh viên có điểm đầu vào thấp vì lý do này, lý do khác nhưng nếu họ là những sinh viên yêu nghề, yêu trẻ, có năng lực sư phạm thật sự thì ngành giáo dục cần có chương trình để đào tạo họ đảm bảo yêu cầu đạt chuẩn. Như vậy không có nghĩa là cào bằng giữa tất cả sinh viên. 

Nếu nghĩ rằng cứ học xong trung cấp, cao đẳng rồi học lên đại học là đảm bảo yêu cầu thì đây là điều cực kỳ nguy hại. Khi đó là nâng bằng cấp chứ đâu còn là nâng chuẩn ".

Theo Thuỳ Linh (giaoduc.net)