TS. Tôn Quang Cường

Hỗ trợ hoạt động học tập tích cực của người học

Với nội dung hỗ trợ hoạt động học tập tích cực của người học, TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh nhưng nội dung sau:

Hỗ trợ quá trình trình bày thông tin: đa giác quan hóa quá trình lĩnh hội thông tin, người học học bằng bộ máy học (bộ não và các cơ quan cảm giác); sử dụng các công cụ giao tiếp hiệu quả; tổ chức và cấu trúc thông tin (nội dung, kiến thức môn học) phù hợp với đối tượng…

Theo dõi, quản lí, điều khiển và giám sát chặt chẽ quá trình học tập: thường xuyên thu nhận và xử lí các thông tin phản hồi từ người học; tạo cơ hội học tập tối đa cho người học; điều chỉnh, can thiệp kịp thời trong những tình huống phát sinh gây khó khăn cho việc học; tiến hành đánh giá thường xuyên và cung cấp kịp thời thông tin về sự tiến bộ cho người học…

Hướng dẫn và tổ chức thực hiện cho người học: xây dựng kế hoạch học tập chi tiết; thiết kế các hoạt động một cách đa dạng, logic, khoa học, có hệ thống; xây dựng các nhiệm vụ mang tính thách thức, gắn chặt với thực tiễn, phát triển tư duy bậc cao; đa dạng hóa các kỹ thuật, phương pháp dạy học; tạo dựng môi trường học tập an toàn…

Quản lí tiến trình các hoạt động dạy học: kết nối nhịp nhàng các mắt xích trong tổ chức hoạt động; tạo dựng các điểm nhấn trong tổ hợp hoạt động; có kế hoạch chủ động và điều chỉnh, can thiệp kịp thời, linh hoạt trong triển khai các hoạt động …

Quản lí môi trường học tập: duy trì, điều chỉnh bầu không khí học tập thân thiện, môi trường (xã hội, vật chất) học tập an toàn; giải tỏa kịp thời các rào cản, xung đột tâm lý, phát sinh; duy trì giao tiếp hiệu quả…

Hỗ trợ sự tham gia trực tiếp của người học trong quá trình dạy học

Với nội dung này, TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh việc tạo động lực cho người học; có biện pháp khuyến khích, hướng dẫn, trợ giúp  người học; tạo cơ hội lựa chọn cho người học... Cụ thể như sau:

Tạo động lực cho người học: tôn trọng, động viên người học bằng chính sự thành công của họ (sư phạm thành công, sư phạm hứng thú); xây dựng hệ thống câu hỏi tư duy bậc cao, tình huống có vấn đề; cùng xây dựng kiến thức mới với người học dựa trên những kinh nghiệm, theo phong cách học của chính họ…

Khuyến khích người học: khuyến khích sự nỗ lực của người học; tạo dựng môi trường học tập thân thiện, duy trì sự hài hước dí dỏm trong học tập; bố trí thời gian hợp lý cho các hoạt động học tập khác nhau; tăng cường bổ sung các ví dụ minh họa, hình ảnh ẩn dụ liên quan đến nội dung bài học; kết nối hợp lý giữa các hoạt động học trên lớp và ngoài lớp, làm việc độc lập và và hợp tác…

Hướng dẫn người học: cùng tham gia xây dựng kế hoạch học tập với cá nhân hoặc nhóm; áp dụng "hợp đồng học tập"; lập kế hoạch theo dõi, quan tâm đến những nhu cầu, nguyện vọng học tập của cá nhân; đưa ra các nhận xét mang tính xây dựng…

Trợ giúp người học: xây dựng các nguồn học liệu mở rộng (theo các chủ đề bám sát và nâng cao); can thiệp và hỗ trợ hợp lý đối với cá nhân/nhóm trong học tập; xây dựng và công bố các mô tả chi tiết về tiêu chí đánh giá về năng lực nhận thức, thực hiện hoạt động của người học; cung cấp thông tin phản hồi kịp thời; chia sẻ kinh nghiệm học tập với người học…

ạo cơ hội lựa chọn cho người học: đa dạng hóa các nhiệm vụ mục tiêu, các hoạt động phù hợp với năng lực của cá nhân; chấp nhận sự khác biệt trong tư duy và hành vi của người học; xây dựng các câu hỏi, vấn đề mang tính mở…

"Theo cách tiếp cận trong đào tạo giáo viên chuẩn quốc tế của CIE (University of Cambridge International Examinations), để lập được kế hoạch dạy học, người giáo viên/chuyên gia đào tạo cần phải thực hiện các nhiệm vụ sau: xác định nhu cầu và phong cách học tập của người học; xây dựng (chi tiết hóa) các mục tiêu dạy học; xác định được các yêu cầu về nội dung dạy học; xây dựng được ý đồ triển khai bằng các phương pháp, phương tiện dạy học hiệu quả; xây dựng được nguồn học liệu hỗ trợ học tập cho người học; xây dựng được kế hoạch kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học" - TS Tôn Quang Cường.

Theo Hải Bình (GD&ĐT)