PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền
Vì học sinh, giáo viên phải là người thay đổi
Trước đây, dư luận nói nhiều về câu chuyện giáo viên phổ thông dạy đi dạy theo lối mòn của giáo án, thậm chí hết năm này năm khác không thay đổi. Ông Nguyễn Văn Hiền cho hay, ở chương trình hiện hành, việc dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, định hướng nội dung theo duy nhất một bộ sách giáo khoa với các bài học cố định, được giảng dạy trong nhiều năm. Sự linh động trong giảng dạy của giáo viên do đó bị hạn chế.
Tuy nhiên, với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên sẽ dạy học theo chuẩn năng lực, phẩm chất của người học. Mỗi môn học có thể có một số cuốn sách giáo khoa. Các địa phương được quyền lựa chọn bộ sách khác nhau, phù hợp với địa phương mình. Sách giáo khoa, tài liệu tham khảo của chương trình mới đa dạng hơn. Cùng với những đổi mới trên, việc thay đổi đánh giá học sinh dựa trên năng lực, phẩm chất giúp giáo viên linh hoạt các hình thức, phương pháp, nội dung bài giảng mà không bị bó hẹp trong một khung nhất định.
Sự đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy của các giáo viên sẽ cần sự thấu hiểu, sẻ chia, hỗ trợ của lãnh đạo các nhà trường phổ thông. Hiệu trưởng các nhà trường phải hiểu rõ các yêu cầu của đổi mới để thay đổi phương thức quản lý, tạo điều kiện cho giáo viên sinh hoạt chuyên môn, dạy học sáng tạo, tạo cộng đồng học tập trong bản thân mỗi trường. Một giáo viên có thể chỉ biết 2-3 tài liệu tham khảo cho công tác giảng dạy nhưng 5 giáo viên có thể đưa ra rất nhiều học liệu khác nhau và cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau làm tốt công việc.
Đặc thù của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tạo điều kiện rõ nét cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp, nội dung dạy học và cả ý thức tự học tập để có bài học tốt nhất cho học sinh.
Giáo viên được tập huấn kết hợp trực tiếp và qua mạng
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Cách làm này nhằm khắc phục nhược điểm của mô hình bồi dưỡng trực tiếp là đội ngũ F1 nghe giảng được 10 điều nhưng khi bồi dưỡng tiếp cho đội ngũ F2 chỉ được 7 điều và đến F3 còn 5 điều.
"Với các học liệu, video trao đổi về chương trình giáo dục phổ thông mới đã được đăng tải trên hệ thống online, tất cả giáo viên dù là cốt cán hay đại trà đều có thể tiếp cận, nghiên cứu tài liệu gốc. Thầy cô có thể nghe, đọc, nghiên cứu nhiều lần", PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền nói.
Trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến có diễn đàn để các giáo viên chia sẻ những thắc mắc, khó khăn. Khi đó, giảng viên các trường sư phạm và các giáo viên cốt cán sẽ hỗ trợ giải đáp, tạo ra cộng đồng học tập.
Việc tập huấn, bồi dưỡng online cho đội ngũ giáo viên phổ thông được tổ chức cùng sự quản lý, theo dõi giám sát, nhắc nhở những người không tham gia hoặc lên mạng nhưng không học. Tất cả các giáo viên trước khi được bồi dưỡng trực tiếp đều được phải tự học trước bằng các tài liệu online để có được kiến thức cơ bản về chương trình giáo dục phổ thông mới.
Lộ trình tập huấn được thực hiện theo cách, giảng viên chủ chốt trường đại học tập huấn cho giáo viên cốt cán. Giáo viên cốt cán tiếp đó tập huấn cho giáo viên đại trà.
Bồi dưỡng giáo viên không dùng sách giáo khoa
TS. Nguyễn Hương Giang, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP TP.HCM đánh giá cao mô hình tập huấn giáo viên của chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nữ giảng viên có 10 năm kinh nghiệm bồi dưỡng giáo viên tiểu học cho biết, khi do không có chương trình tổng thể nên khi bồi dưỡng giáo viên cho chương trình hiện hành, các giảng viên chỉ có thể dựa vào sách giáo khoa. Trong khi đó, với chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên sẽ được tìm hiểu, nắm được toàn bộ chương trình tổng thể, chương trình môn học, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt...
"Trước đây giáo viên chỉ biết phần ngọn, còn bây giờ được nắm bắt, tìm hiểu từ gốc đến ngọn của chương trình. Từ cơ sở lý thuyết vững chắc đó, việc thực hành của giáo viên sẽ hiệu quả hơn", TS. Nguyễn Hương Giang nói.
Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới không phụ thuộc vào sách giáo khoa mà căn cứ theo chương trình tổng thể, chương trình môn học. Bởi lẽ với chương trình mới, sách giáo khoa chỉ là tài liệu cụ thể hoá của chương trình.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hương Giang, trước nay sách giáo khoa luôn được coi là pháp lệnh và việc bồi dưỡng giáo viên đều dựa theo tài liệu này. Do đó, tập huấn của chương trình chương trình giáo dục phổ thông mới không có sách giáo khoa sẽ là một thách thức cho cả người bồi dưỡng và người được bồi dưỡng.
Việc khi không có sách giáo khoa để tập huấn, TS. Nguyễn Hương Giang đánh giá đó cũng là một thuận lợi, khi giáo viên thoát được lối mòn cũ mà sách giáo khoa đã mặc định. Chương trình mới sẽ không bó hẹp trong một bộ sách mà mỗi môn học sẽ có nhiều sách.
Theo Quyên Quyên (zing)