Áp lực của nhà trường, giáo viên

Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, trong bối cảnh đổi mới giáo dục, những thay đổi dù ít hay nhiều đều tạo nên những áp lực đối với nhà trường và đối với giáo viên để kịp thích ứng với sự thay đổi. 

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền cho rằng, hiệu trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của nhà trường nhưng mức độ tự chủ trong quản lý trường phổ thông còn chưa cao. Điều này dẫn tới những khó khăn, lúng túng nhất định cho cán bộ quản lý nhà trường trong việc thực thi chức trách của mình. 

Nếu không nắm rõ quy định, cán bộ quản lý dễ dẫn đến sai phạm. Hoặc vì sợ sai phạm nên cán bộ quản lý không sáng tạo và không dám khuyến khích giáo viên linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết nhiệm vụ. 

Hơn nữa trong bối cảnh công nghệ thông tin, truyền thông bùng nổ, nhà trường đối mặt với trách nhiệm giải trình rất cao. Mọi hoạt động của nhà quản lý đều phải minh bạch và chịu sự đánh giá từ bên ngoài. Thông tin đôi khi không phản ánh đúng thực chất vấn đề và phát tán đi quá nhanh, khó có thể kiểm soát. Điều này cũng có thể tạo áp lực nhất định cho cán bộ quản lý và cả giáo viên trong nhà trường.

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền phân tích, những áp lực đến từ yêu cầu đổi mới đặt ra cho nhà trường. Những áp lực về thời gian dành cho công việc, về đánh giá chuyên môn, về thi đua, về bồi dưỡng phát triển chuyên môn… là những vấn đề mà giáo viên và các cán bộ quản lý đối mặt hàng ngày. 

Chế độ đãi ngộ về lương, thưởng của nghề giáo không cao khiến cho giáo viên có những vất vả nhất định cho những lo toan cuộc sống về vật chất. 

Những hiện tượng cá biệt về vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc cán bộ quản lý nhà trường chưa làm tròn chức trách của mình được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây có thể khiến dư luận hoang mang và có thể ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của những người làm trong ngành giáo dục.


PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền

Hiệu trưởng cũng là một giáo viên và thường là giáo viên giàu kinh nghiệm và có uy tín trong nhà trường. Vì thế hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong việc tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp về chuyên môn cũng như ứng xử sư phạm. Đặc biệt đối với những giáo viên trẻ mới vào nghề, rất cần sự  theo dõi, hỗ trợ về nhiều mặt từ phía cán bộ quản lý nhà trường để họ được rèn luyện tay nghề và tự tin trong công việc.

Không tạo thêm áp lực cho chính mình

PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền trao đổi, đứng từ góc độ của cán bộ quản lý nhà trường, trong bối cảnh thay đổi, hiệu trưởng nhà trường trước tiên phải tự bồi dưỡng và nâng cao nhận thức của bản thân, tự điều chỉnh phong cách lãnh đạo, tự quản lý công việc hiệu quả để không tạo thêm áp lực cho chính mình. 

Với tư cách là một giáo viên giàu kinh nghiệm, hiệu trưởng nhà trường có thể hỗ trợ giáo viên trong đổi mới dạy học. Hiệu trưởng cũng có thể đứng ra nhận trách nhiệm và thay giáo viên giải quyết sự cố khi nhận thấy giáo viên chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm xử lý. Hiệu trưởng cần phải là tấm gương về tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với công việc, đạo đức mẫu mực của nhà giáo để giáo viên trong nhà trường làm theo. 

Với tư cách là người quản lý nguồn nhân lực, hiệu trưởng cần kỹ năng quản lý như tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, bồi dưỡng, đánh giá, sàng lọc, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ giáo viên của mình đảm bảo thực hiện hiệu quả các hoạt động của nhà trường. 

Tuy nhiên với mức độ tự chủ không cao của các nhà trường phổ thông công lập hiện nay, hiệu trưởng cũng có những khó khăn riêng trong vấn đề tuyển dụng, sàng lọc hay xây dựng chế độ đãi ngộ đối với giáo viên. 

Trong mức độ tự chủ cho phép, hiệu trưởng cần sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của giáo viên phục vụ mục tiêu giáo dục của nhà trường; ứng xử công tâm, minh bạch tạo bầu không khí làm việc tích cực cho tập thể giáo viên.


Với tư cách là người lãnh đạo nhà trường, hiệu trưởng cần phải là người có tầm nhìn và lôi kéo, thúc đẩy giáo viên tự nguyện, tự giác thực hiện nhiệm vụ. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục với nhiều áp lực của sự thay đổi, hiệu trưởng càng cần là người biết chia sẻ, biết động viên, khích lệ giáo viên vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống. 

Với vai trò này, hiệu trưởng chính là người lãnh đạo văn hoá - xây dựng môi trường văn hoá nhà trường lành mạnh, đoàn kết, thân thiện, yêu thương giúp đỡ, gắn bó. Văn hoá chính là sức mạnh của nhà trường, giúp ngăn ngừa những tiêu cực và xung đột có thể xảy ra, giúp giải quyết sự cố và đứng dậy sau những thất bại, khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều áp lực đến từ bên ngoài nhà trường đặt lên vai người cán bộ quản lý nhà trường. Những áp lực đặt ra cho người quản lý lại dễ dẫn đến những áp lực lớn hơn đối với giáo viên. Nếu không nhận diện những bất cập và nỗ lực giải quyết, cán bộ quản lý có thể không thực hiện tốt vai trò của mình trong quản lý, lãnh đạo nhà trường, giúp giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học và giáo dục.

"Với đặc thù của nghề nghiệp - nghề giáo viên được cả xã hội tôn trọng. Giáo viên có thể không giàu có về vật chất nhưng “giàu có” lòng tự trọng, và tính nhân văn. Sự mất niềm tin từ xã hội có thể khiến các nhà giáo cảm thấy tổn thương và từ đó giảm đi động lực khắc phục khó khăn và áp lực để gắn bó với nghề" - PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền.

Minh Phong (GD&TĐ)