Từ thực tiễn quản lý nhà trường, thầy giáo Nguyễn Minh Quý - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) nhận thấy, hiệu trưởng các trường phổ thông là người truyền cảm hứng và là người cần thay đổi trước tiên trong quá trình đổi mới giáo dục và là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Chính vì vậy, hiệu trưởng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chuyên môn, nghề nghiệp của giáo viên. Khi hiệu trưởng có một định hướng rõ ràng trong việc phát triển nhà trường và tìm các biện pháp sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn để thực hiện định hướng đó sẽ giúp cho đội ngũ cán bộ giáo viên nhà trường thêm động lực để vượt qua những khó khăn của quá trình đổi mới giáo dục.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới, vai trò kiến tạo môi trường học tập và phát triển nghề cho giáo viên của hiệu trưởng càng trở nên cấp thiết và rõ nét hơn bao giờ hết. Trọng trách đó đặt lên vai hiệu trưởng chứ không phải ai khác.
Việc kiến tạo môi trường giáo dục trong nhà trường đỏi hỏi người hiệu trưởng phải dũng cảm đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, quyết liệt để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của nhà trường vừa phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục, đặc biệt là đi trước đón đầu trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý, phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên là một sứ mệnh trong phát triển nhà trường phổ thông hiện nay. Trong đó, tổ chức các hoạt động nghiệp vụ nhằm phát triển nghề nghiệp giáo viên là một trong những giải pháp quan trọng để bồi dưỡng đội ngũ.
Tổ chức các hoạt động nghiệp vụ, hiệu trưởng sẽ giúp các thầy cô nhận diện được năng lực, phẩm chất và kỹ năng của mình. Trên cơ sở đó, xây dựng lộ trình bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp phù hợp với bản thân và yêu cầu đổi mới. Việc tổ chức các hoạt động nghiệp vụ đòi hỏi phải thường xuyên, đổi mới từ nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức, tránh bệnh thành tích và phải đảm bảo sự công bằng trong đánh giá.
Theo đó, hiệu trưởng phải lên kế hoạch và thực hiện phát triển chuyên môn với mục tiêu đã xác định của nhà trường và nhu cầu của giáo viên; giúp giáo viên xác định nhu cầu, lên kế hoạch bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu đó. Đồng thời, tổ chức các đối thoại về phát triển nghề nghiệp, trao quyền cho giáo viên trong việc ra quyết định trong việc bồi dưỡng phát triển năng lực cá nhân; hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng và tự bồi dưỡng, đặc biệt là bồi dưỡng, tập huấn "tại công việc".
Khi trao quyền tự chủ, sáng tạo cho giáo viên, hiệu trưởng sẽ thúc đẩy đối thoại đối với từng giáo viên cũng như thúc đẩy đối thoại trong cộng đồng giáo viên của nhà trường. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ học tập và phát triển nghề nghiệp, tạo ra một môi trường học tập sôi nổi, trong đó giáo viên có thể thử nghiệm những ý tưởng mới và thực hành, rèn luyện khả năng sáng tạo của mình.
"Một khi hiệu trưởng luôn là người truyền lửa, hỗ trợ giúp giáo viên sáng tạo, tự tin vào bản thân, biết lắng nghe giáo viên, thừa nhận kinh nghiệm, năng lực của giáo viên và quyền tự chủ nghề nghiệp của họ chắc chắn sẽ tạo ra cộng đồng học tập chuyên nghiệp, hiệu quả" - Thầy Quý chia sẻ.
Đi cùng với đó, hiệu trưởng cần có sự giám sát thường xuyên, đánh giá một cách công tâm, minh bạch, công bằng kết quả phát triển nghề nghiệp của giáo viên trường mình. Điều này có tác động tích cực đến sự phát triển chuyên môn của giáo viên. Việc đánh giá này không phải vì thành tích với mục đích đánh giá thi đua mà là vì mục tiêu phát triển năng lực thường xuyên, liên tục của giáo viên.
Thực tế cho thấy, điều mà giáo viên tâm huyết mong mỏi nhất, đó là họ luôn được hiệu trưởng hỗ trợ về chuyên môn, được chia sẻ, đồng cảm và cộng đồng trách nhiệm khi thử nghiệm cái mới trong dạy học và giáo dục, kể cả thành công cũng như thất bại.
PV