Trong bối cảnh đổi mới toàn diện, căn bản giáo dục, đào tạo, chuyển từ một nền giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát huy tối đa khả năng của học sinh, người thầy phải tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục trong suốt đời làm nghề.
Hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng nghiệp vụ bằng công nghệ tiên tiến
Trong thời đại công nghệ số, học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn và đòi hỏi cao ở người thầy. Nếu người thầy không tự học để "nâng mình" lên sẽ rất khó làm tốt vai trò làm thầy. Dừng lại và hài lòng có nghĩa là tụt hậu. Mỗi giáo viên phải thường xuyên tự "nâng cấp", tự đổi mới mình mới đáp ứng được những đòi hỏi từ thực tiễn. Nhận thức rõ điều này, không ít thầy, cô giáo đã có ý thức tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Cũng từ yêu cầu khách quan, đồng hành cùng với đội ngũ nhà giáo trong việc bồi dưỡng thường xuyên là Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP).
Chương trình ETEP đượcThủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư từ năm 2016, nhằm phát triển các trường sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tính đột phá của Chương trình ETEP là mang chương trình bồi dưỡng đến tận tay người học với hình thức bồi dưỡng qua mạng.
Chương trình ETEP có mục tiêu cốt lõi là: bồi dưỡng thường xuyên, phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, bằng một mạng lưới hỗ trợ đội ngũ nhà giáo tự bồi dưỡng. Mạng lưới ấy hình thành bởi chuyên gia của tám trường, đội ngũ cốt cán của 63 tỉnh, thành phố hỗ trợ trực tiếp cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Hình thức bồi dưỡng được đổi mới, đó là ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua hệ thống quản lý, bồi dưỡng trực tuyến, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ.
Bồi dưỡng, phát triển một thế hệ nhà giáo mới
Với việc tăng cường năng lực cho tám đơn vị: Đại học (ĐH) Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm thuộc ĐH Huế, ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý Giáo dục là các trường đại học sư phạm chủ chốt, Chương trình ETEP nhằm đạt được các kết quả chủ yếu: Tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho các trường sư phạm được lựa chọn; Tổ chức bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện có chất lượng, bảo đảm tiến độ; Hỗ trợ các trường sư phạm phát triển hệ thống nguồn học liệu mở cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên nền tảng công nghệ thông tin được thực hiện kịp thời, có chất lượng; Đánh giá nhu cầu, chất lượng, hiệu quả của các chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên hệ thống được thực hiện có hiệu quả, chính xác và kịp thời.
Chương trình ETEP tập trung phát triển chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, giảng viên sư phạm, gồm: Phát triển chương trình đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; Xây dựng khoảng 50 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm và một chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến về quản trị trường phổ thông; Rà soát và đề xuất chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
Chương trình ETEP sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên phổ thông cốt cán, và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt. Khoảng 28 nghìn giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán sẽ được tập huấn, bồi dưỡng. Đội ngũ này cùng với các chuyên gia của tám trường sư phạm chủ chốt hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800 nghìn giáo viên phổ thông và 70 nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thông qua hệ thống quản lý, bồi dưỡng trực tuyến.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết: Ban Quản lý Chương trình ETEP đã phối hợp Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục cùng các chuyên gia của Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Quản lý Giáo dục để hoàn thành xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Mới đây, Bộ GD&ĐT đã có quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, đồng thời tổ chức triển khai tới 63 tỉnh thành.
Đội ngũ nhà giáo, những người trực tiếp tạo nên chất lượng giáo dục, đóng vai trò quyết định cho thành công của công cuộc đổi mới GD&ĐT. Vì thế, nâng cao năng lực, bồi dưỡng thường xuyên chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ, sự sẵn sàng đổi mới của đội ngũ này góp phần quan trọng xây dựng một nền giáo dục mở. Chương trình ETEP được kỳ vọng sẽ góp phần chuyển một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang một nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh. Bồi dưỡng, phát triển một thế hệ nhà giáo mới, năng động, sáng tạo, biết chia sẻ kiến thức cho đồng nghiệp, liên tục phát triển chuyên môn nghề nghiệp, vì sự phát triển, hạnh phúc của học sinh, đó chính là cái đích mà Chương trình ETEP hướng tới.
Theo Thanh Lê (nhandan)