Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội nghị
Bộ trưởng cho biết, Hội nghị này là sáng kiến của Bộ GD&ĐT Việt Nam, phối hợp với UNICEF và Ban Thư ký ASEAN, với mục tiêu là ghi nhận sự cần thiết phải phát triển kỹ năng số, kỹ năng có thể chuyển giao trong hệ thống giáo dục ASEAN, chia sẻ thực tiễn tốt và nêu bật thách thức; thiết lập đồng thuận giữa các quốc gia thành viên ASEAN để tìm ra giải pháp bền vững, sáng tạo, nhằm tích hợp kỹ năng thông thạo kỹ thuật số cùng kỹ năng có thể chuyển giao trong các hệ thống giáo dục, đồng thời xác định lĩnh vực các quốc gia thành viên và đối tác cùng nghiên cứu và hợp tác.
"Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay rất có ý nghĩa trong bối cảnh đại dịch Covid-19, giáo dục bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, chúng ta cần can thiệp kịp thời để phát triển bền vững lực lượng lao động. Với tầm nhìn đó, số hóa trong giáo dục là giải pháp cần phải thực hiện" - Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời kỳ vọng, hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, thông qua được tuyên bố chung về cam kết khu vực nhằm thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong hệ thống giáo dục ở các nước thành viên ASEAN.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và bà Karin Hulsof - Giám đốc Khu vực UNICEF đồng Chủ tọa Hội nghị
Bộ trưởng cho biết, hơn hai tháng trước, hội nghị AIPA với chủ đề Đối tác Nghị viện về Hợp tác Giáo dục và Văn hóa đã kết luận, ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi kỹ thuật số để giảm thiểu gián đoạn giáo dục trong tương lai.
"Tại Hội nghị này, chúng ta với tư cách là những người tiên phong sẽ cùng thảo luận, trao đổi cách thức làm thể nào để hình thành sáng kiến kết nối được công nghệ và ý tưởng tốt" - Bộ trưởng đặt vấn đề, đồng thời trao đổi:
Một phần chính trong thảo luận hôm nay là làm thế nào phát triển năng lực kỹ thuật số cho thế hệ trẻ. Tiến bộ không ngừng về công nghệ cùng nguồn thông tin khiến năng lực kỹ thuật số trở nên cần thiết đối với mỗi học sinh.
Năng lực kỹ thuật số ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, hỗ trợ khả năng tìm kiếm tài liệu học tập, kết nối kiến thức. Bộ kỹ năng này rất có giá trị, giúp thúc đẩy năng lực sáng tạo vượt ra ngoài môi trường lớp học hoặc trường học thông thường. Vì vậy, nâng cao kỹ năng số, mở rộng khả năng tiếp cận thế giới số của học sinh phải là ưu tiên hàng đầu, ngay từ cấp học đầu tiên.
Toàn cảnh Hội nghị Nâng cao chất lượng dạy - học
Theo Bộ trưởng, để giải quyết được thách thức này, học sinh và giáo viên cần được tiếp cận không hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, khai thác, tận dụng tri thức của nhân loại.
Để làm được điều này, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy, quản lý phải được phát triển trong trường học, nơi mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý đều có quyền, khả năng khai thác, sử dụng hệ thống. Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này, đồng thời thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục do chênh lệch công nghệ trong khu vực gây ra.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
"Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ rộng rãi và có hệ thống. Tôi muốn đề cập đến trách nhiệm của chúng ta với tư cách là lãnh đạo khu vực là phải đề xuất chính sách, khuôn khổ pháp lý hiệu quả cho số hóa giáo dục.
Đây là cách chúng ta có thể tận dụng tối đa tiềm năng, tích hợp tất cả công nghệ, năng lực thành một khối tổng thể thống nhất, toàn diện; giúp cho công tác quản lý hiệu quả hơn, chất lượng giảng dạy tốt hơn và hệ thống đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của người học" – Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đang tạo ra một tương lai cho tất cả người dân ASEAN, ở mọi lứa tuổi trẻ hay già. Tương lai không chỉ cho những người hiểu biết về công nghệ, mà cho tất cả mọi người.
Chúng ta muốn cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn và chúng ta có trong tay những gì cần thiết để thực hiện được tầm nhìn này - đó là việc chia sẻ kinh nghiệm về năng lực kỹ thuật số, kết hợp các nguồn lực để cùng tạo ra bước nhảy vọt.
"Hội nghị này là cơ hội tuyệt vời để chúng ta trao đổi về quá trình chuyển đổi số của từng quốc gia, của cả cộng đồng. Cá nhân tôi muốn lắng nghe ý kiến liên quan đến việc chuẩn bị kỹ năng thiết yếu, bao gồm cả năng lực kỹ thuật số cho người học. Tôi kêu gọi các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN cùng chung tay xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất trong khu vực, hướng tới hình thành một khung năng lực số được các nước thành viên công nhận" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Theo Minh Phong (GD&TĐ)