Giáo sư Võ Văn Minh

Những nguyên nhân khiến ngành sư phạm "tụt hạng"

Nếu nói về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm thì cũng phải phân tích được đúng nguyên nhân vì sao ngành sư phạm không còn hấp dẫn như trước đây. Bởi đã quá lâu rồi, chúng ta chưa chú ý cũng như đầu tư cho lĩnh vực đào tạo giáo viên, nên dẫn đến kết quả như vậy.

Nguyên nhân đầu tiên là có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên. Hầu như tỉnh nào cũng có. Nhiều trường không có kinh nghiệm cũng được cho phép đào tạo… Hệ quả của nó là hàng ngàn giáo viên ra trường mỗi năm trong khi nhu cầu tuyển dụng rất ít.

Trong những năm gần đây, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm đến các trường sư phạm nòng cốt/chủ chốt. Câu lạc bộ Hiệu trưởng các trường sư phạm (chủ chốt) xúc tiến nhiều hội thảo, hội nghị bàn về vấn đề này, tham mưu cho Bộ cũng như tích cực đổi mới chương trình đào tạo giáo viên và nay sinh viên cũng đã ra trường. Ngược lại các trường còn lại (chủ yếu là các trường cao đẳng) vẫn đào tạo sư phậm, thậm chí đào tạo giáo viên là chính với số lượng lớn.

Nhưng chương trình đào tạo của các trường này có tính cập nhật nhất... Vì đào tạo tràn lan, nên dẫn đến dư thừa đầu ra ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, có quá nhiều thông tin không tích cực về giáo dục,... đã tác động đến tâm lý của sinh viên sư phạm trong học tập.

Nguyên nhân thứ tư chính là chính sách đối với giáo viên chưa được thay đổi tích cực (lương thấp, đời sống giáo viên khó khăn) dẫn đến đầu vào của các trường sư phạm còn thấp.

Và cuối cùng, mặc dù, xét về chất lượng sinh viên của các trường sư phạm chủ chốt (tham gia tích cực trong việc đổi mới) cao hơn, nhưng tình hình tuyển dụng giáo viên ở các địa phương vẫn chưa quan tâm và còn nhiều bất cập...

Phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên

Trước những vấn đề trên, để nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm, thu hút học sinh khá, giỏi chọn nghề... thì phải có một số giải pháp sau:

Trước hết, phải chăm lo chính sách cho đội ngũ giáo viên. Đây chính là chủ trương quan trọng của Đảng đã được Nghị quyết 29 đề cập. Vấn đề là Chính phủ phải cụ thể hóa bằng chính sách. Đồng thời đi kèm theo yêu cầu về chất lượng.

Thứ hai, quy hoạch, rà soát lại mạng lưới đào tạo giáo viên. Để đầu tư thích đáng và phải có cơ chế đặc thù. Không thể đẩy nhanh tự chủ đối với các trường đó cũng như thả trôi cho thị trường quyết định. Tuy nhiên đã đầu tư thích đáng, giao nhiệm vụ cụ thể thì cũng phải đi kèm với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Thứ ba, với chỉ tiêu sư phạm được xác định cho các trường sư phạm chủ chốt như hiện nay giống với mô hình đào tạo chất lượng cao nhưng không thu học phí. Với đội ngũ giảng viên trẻ được đào tạo bài bản trong và ngoài nước của các trường sư phạm (chủ chốt) trong thời gian qua và với chỉ tiêu ít như vậy chắc chắn yên tâm về chất lượng. Tuy nhiên, cần phải quan tâm đến chương trình đào tạo, phải cập nhật theo yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới... Mục đích là để đảm bảo các ngành đào tạo giáo viên phải có chương trình đạo tạo chuẩn nhất vừa có tính hàn lâm vừa có tính nghiệp vụ cao.

Thứ tư, đi kèm với chính sách đòn bẩy là cải thiện thu nhập cho giáo viên thì cũng phải gắn với yêu cầu chất lượng đầu vào của các trường sư phạm. Nếu không thay đổi về chính sách giáo viên cũng như quy hoạch mạng lưới các trường được đào tạo giáo viên (để tràn lan như hiện nay) thì khó khuyến khích học sinh giỏi chọn sư phạm. 

Cuối cùng, ngành giáo dục liên quan đến mọi gia đình, là tương lai của xã hội thì cần phải có sự chung tay của toàn xã hội một cách tích cực. Cụ thể như, các trường Đại học cùng mạnh dạn không đào tạo một số ngành nếu chất lượng đầu vào thấp. Các thầy cô giáo, phụ huynh cũng động viên học sinh hay con em của mình có tố chất tốt về sư phạm, có đam mê nghề giáo viên, có năng lực học tập tốt... thi vào sư phạm. Hay Chính phủ phải quyết liệt chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ tham mưu ban hành chính sách cho giáo viên. Vì vấn đề chính sách giáo viên không phải chỉ có ngành giáo dục thực hiện. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Từ quy hoạch mạng lưới, từ đầu tư trọng điểm, khuyến khích phát triển nhà giáo giỏi thông qua đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học.. đến việc kiểm tra, giám sát việc thực thi cũng như công tác đảm bảo chất lượng…

Tóm lại, để phát triển đất nước bền vững thì ngay bây giờ (không thể chờ đợi thêm nữa) là phải thực sự quan tâm đến đội ngũ giáo viên trong cả nước, trong tất cả các bậc học đúng như những gì Đảng và Nhà nước thể hiện trong luật "Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu". Lúc đó, chất lượng đào tạo giáo viên chắc chắn được nâng cao. Điều đó có nghĩa là quốc sách hàng đầu không chỉ là đầu tư về chính sách cho giáo viên, về đào tạo giáo viên... Mà cả quản lý nhà nước cũng phải quan tâm hàng đầu! Còn cứ hô hào khẩu hiệu thì mọi thứ vẫn quanh quẩn chỗ cũ (như bao lần cải cách, đổi mới) và càng tụt hậu xa hơn.

Nguồn: giaoduc.net