Chuẩn bị bài bản, đồng bộ về đội ngũ

Theo ông Hoàng Đức Minh, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực, cùng Bộ Nội vụ và bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản, chính sách, từng bước tháo gỡ khó khăn về đội ngũ, đặc biệt về số lượng và cơ cấu.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên các cấp, chuẩn bị đội ngũ giáo viên và xác định nhu cầu đào tạo giáo viên cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo gắn với thực hiện Chương trình GDPT mới. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn địa phương ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới ở các cấp học; chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo giáo viên để cung cấp nhu cầu sử dụng, đáp ứng kịp thời nguồn tuyển dụng theo lộ trình đổi mới Chương trình GDPT.

"Các địa phương cần linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có. Những khối lớp triển khai thực hiện trước cần ưu tiên bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định đối với mỗi cấp học. Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức, cần có các giải pháp tạm thời, phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, địa phương, vùng miền để "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp". 

Với cấp tiểu học, cần có phương án bồi dưỡng để giáo viên tiểu học (dạy các môn chung) có thể dạy cả môn học Giáo dục thể chất; phân môn Công nghệ trong môn Tin học và Công nghệ…). Đồng thời, có thêm các phương án để bố trí giáo viên theo cách thức: Một giáo viên có thể dạy ở 2 trường trên cùng địa bàn; điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu…" - ông Hoàng Đức Minh cho biết.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Theo Nghị quyết này, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) với các vị trí việc làm là giáo viên trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao… Trong đó, lưu ý việc thực hiện để bố trí giáo viên dạy 2 buổi/ngày, nhất là ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhấn mạnh đây là giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho địa phương, ông Hoàng Đức Minh lưu ý khi tuyển dụng cần bảo đảm đủ chuẩn đào tạo; sử dụng hợp lý đội ngũ này, ưu tiên cho lộ trình thay sách; đồng thời có phương án giải quyết khi hết hợp đồng để tránh khiếu kiện, tâm tư.

Chuẩn bị đội ngũ dự phòng

Theo ông Hoàng Đức Minh, tính đến tháng 6/2020, Bộ GD&ĐT hoàn thành việc xây dựng tài liệu và bồi dưỡng mô đun 1 cho khoảng 200 báo cáo viên nguồn để phát triển tài liệu. Hoàn thành bồi dưỡng khoảng 800 giảng viên sư phạm và cán bộ quản lý giáo dục chủ chốt, 1.028 cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD&ĐT, 11.550 tổ trưởng chuyên môn các trường phổ thông. Khoảng 4.000 cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán và 28.000 giáo viên cốt cán cũng được bồi dưỡng về hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018. Các lực lượng này đã và đang cùng địa phương triển khai bồi dưỡng đại trà.

Các giáo viên được phân công dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 đã sẵn sàng nhập cuộc. Tuy nhiên, để bảo đảm không trống lớp, ông Hoàng Đức Minh cho rằng: Cùng đội ngũ này, lực lượng giáo viên dự phòng cũng phải sẵn sàng để có thể dạy ngay được lớp 1 trong trường hợp cần thiết.

Lưu ý những công việc chính trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh: Tập trung bồi dưỡng những nội dung đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT và sách giáo khoa mới cho giáo viên dạy lớp 1, cán bộ quản lý và tổ trưởng chuyên môn cấp tiểu học trước thời điểm bắt đầu năm học mới.

"Các địa phương cần tổ chức hiệu quả việc triển khai việc tập huấn đại trà cho 100% giáo viên dạy lớp 1 về thực hiện Chương trình GDPT mới; sử dụng dạy sách giáo khoa lớp 1, cùng với việc bố trí đủ giáo viên dạy lớp 1 theo quy định. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, tư vấn, hỗ trợ công tác tập huấn đại trà cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GD phổ thông tại các địa phương" - ông Hoàng Đức Minh khẳng định.

Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)