"Mỗi giờ lên lớp có một đổi mới trong giảng dạy", từ lâu cô giáo Trần Thúy HàTrường Tiểu học Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội đã coi đây là phương châm trong nghề của mình. Sự sáng tạo của cô đến từ những điều nhỏ nhất trong tiết học như hình thức, phương pháp tổ chức, nội dung bài giảng hay cách truyền đạt.
Tốt nghiệp năm 2010, cô giáo Trần Thúy Hà về công tác tại Trường Tiểu học Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) - một ngôi trường có bề dày truyền thống dạy tốt - học tốt. Thời điểm đó, cũng như bao sinh viên vừa tốt nghiệp khác, cô giáo Trần Thuý Hà mang trong mình ngọn lửa đam mê, mong muốn cống hiến cho nghề giáo với ước mơ cao đẹp trồng người.
Giờ lên lớp của cô giáo Trần Thị Hà
Cô Hà tâm sự: "Mười năm đi dạy, điều tôi tự hào về bản thân mình nhất đó là niềm say mê, tận tụy và hết lòng với từng bài giảng. Với tôi, niềm đam mê với nghề không những không mất đi, mà theo năm tháng, theo từng lứa học sinh lớn lên, niềm đam mê ấy ngày một nhiều lên, có thể ví von giống hình tượng "niêu cơm Thạch Sanh" vậy".
Khi lấy học sinh làm trung tâm, người thầy sẽ tìm mọi cách để trau dồi kiến thức, từ nghiên cứu chuyên môn qua sách vở, Internet đến học hỏi bạn bè đồng nghiệp. Với đặc thù là dạy các em học sinh trong lứa tuổi tiểu học, về mặt kiến thức không quá nặng nề và chuyên sâu, nhưng làm thế nào để các em hiểu, nhớ được lâu và phát huy tính sáng tạo, phát triển được tư duy của trẻ mới là điều quan trọng.
Nhận thức được vấn đề này, cô Hà luôn dặn lòng 3 từ: Nhiệt huyết, sáng tạo và khuyến khích. Với trẻ nhỏ, nếu thầy cô giáo không có cách khuyến khích để kích thích khả năng sáng tạo mà chỉ chăm chăm giáo điều và khô khan, chắc chắn hiệu quả giáo dục không thể nào cao được.
Theo cô Hà, muốn đổi mới, sáng tạo hiệu quả, đầu tiên phải quan sát học sinh, hiểu và biết học sinh muốn gì, không nên áp đặt những điều người lớn thích. Chính vì vậy, cô Hà đã xây dựng thành công dự án lớp học theo mô hình "Lớp học yêu thương" bằng các hoạt động như: Truyền năng lượng tích cực; Chia sẻ điều em muốn nói; Xây dựng mục tiêu cá nhân; Giờ sinh hoạt hạnh phúc… Nhờ đó, các em được khơi gợi những cảm xúc tích cực nhất trong lớp học.
Vui nhưng không phải không nhớ hay không hiểu nhiệm vụ, thay vào đó là thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, tích cực với sự thoải mái nhất có thể. Không những thế, các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại được cô Hà vận dụng linh hoạt trong các tiết dạy của mình như phương pháp Bàn tay nặn bột, sơ đồ tư duy, kỹ thuật khăn trải bàn...
Ngoài ra, cô Hà còn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng tạo sự sinh động, tránh nhàm chán cho học sinh bằng các trò chơi học tập hấp dẫn như Đường lên đỉnh Olympia, Đường đua cướp biển. Đan xen với các trò chơi được ứng dụng công nghệ thông tin là các trò chơi vận động chân tay, đồ dùng dạy học tự làm.
Bên cạnh những đổi mới về hình thức, cô đặc biệt chú ý đến nội dung dạy học. Có những tiết học, cô mạnh dạn thay đổi toàn bộ nội dung của sách giáo khoa. Cô tìm tòi những điều mới lạ nhất, phù hợp, dễ hiểu nhất nhưng vẫn luôn bám sát mục tiêu của bài học.
Là giáo viên giỏi công nghệ thông tin cấp thành phố, cô Hà đã tạo ra rất nhiều đồ dùng dạy học như kho bài giảng điện tử, sách điện tử thông minh và các bài giảng E-learning để phục vụ cho công tác giảng dạy. Đằng sau những sáng tạo, đổi mới và thành công, cô Hà luôn nghĩ tới sự lan tỏa tới các bạn bè, đồng nghiệp.
Năm học vừa qua, 3 tiết chuyên đề của cô Hà được chọn để phổ biến tới đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện Gia Lâm. Ngoài ra, các bài giảng E-learning của cô cũng được đăng tải rộng rãi để bạn bè đồng nghiệp học hỏi kinh nghiệm. Với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, trong buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ, cô luôn sẵn sàng chia sẻ những sáng tạo của mình để các bạn đồng nghiệp cùng thực hiện.
Vân Anh