GS. Võ Tòng Xuân
"Chúng tôi rất hoan nghênh những cố gắng mà Ban Biên soạn đã dày công tham khảo nhiều chương trình hiện đại của các nước tiên tiến để áp dụng trong bối cảnh Việt Nam. Chương trình này có thể đáp ứng mong ước của xã hội ta về một chương trình giáo dục căn bản hiện đại cho mọi người Việt Nam, làm bệ phóng vững chắc cho sự phát triển tiếp theo trong quá trình hội nhập thế giới. Có chương trình mới này, Nhà nước sẽ cùng xã hội đầu tư đến nơi đến chốn cho giáo dục phổ thông - nền tảng của giáo dục Việt Nam - để xây dựng mới một thế hệ con người Việt Nam biết kế thừa và phát huy những tinh hoa của đất nước, chấm dứt tệ trạng giáo dục hiện nay khi học sinh tốt nghiệp phổ thông rồi mà không biết làm gì được hơn là tiếp tục lo thi vào đại học". GS. Võ Tòng Xuân bày tỏ quan điểm.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, các mục tiêu giáo dục phổ thông của các quốc gia tiên tiến trong thế kỷ 21, người tốt nghiệp Việt Nam phải có 4 khả năng: giao tiếp bằng một ngoại ngữ, làm việc hoặc khởi nghiệp, học thêm nghề chuyên môn và cao hơn trung học.
Về yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh, theo GS. Võ Tòng Xuân, phần này chương trình đã được soạn thảo rất hiện đại, nêu ra các phẩm chất và năng lực của học sinh phổ thông, với tiêu chuẩn nội dung kiến thức hoặc kỹ năng chi tiết cho từng phẩm chất, nội dung tại 3 cấp: Tiểu học, trung học cơ sở, và trung học phổ thông.
Cần một bộ chuẩn kiến thức môn học
Một trong những đổi mới trong giáo dục, đào tạo là viết sách giáo khoa. GS. Võ Tòng Xuân cho rằng Bộ GD&ĐT không nên quá tập trung nhân lực, vật lực để làm công việc mà các nhà xuất bản tư nhân có thể làm hiệu quả hơn. Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ quản lý chất lượng qua Bộ Chuẩn kiến thức môn học.
"Chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT giao cho Ban Soạn thảo chương trình tổ chức soạn Bộ Chuẩn kiến thức môn học để các nhà xuất bản mời các chuyên gia viết sách giáo khoa cho cả hệ thống giáo dục chúng ta áp dụng triệt để, với một tỷ lệ thời gian hợp lý dành cho các địa phương thêm vào", GS. Võ Tòng Xuân nói.
Trong số các năng lực cần hình thành cho học sinh, với nhiều chi tiết của mỗi năng lực được hình thành trong quá trình học tập cả 12 năm, nên lưu ý thêm là học sinh sẽ học lên lớp cao hơn sau trung học, nên các em sẽ hình thành thêm năng lực cao hơn. Chúng ta cần nhấn mạnh năng lực song ngữ trong năng lực giao tiếp. Trong suốt quá trình từ lúc 3 tuổi ở nhà trẻ - mẫu giáo + 12 năm giáo dục phổ thông học sinh được tiếp cận, trau dồi tiếng Việt và một ngoại ngữ (như học sinh Singapore, Malaysia, Philippines, các nước Nam Á, Trung Đông, tất cả các nước Châu Phi...).
Kế hoạch giáo dục đã được đổi mới gần như hoàn toàn, tiếp cận được ngang tầm quốc tế. Nổi bật nhất là bốn môn học: Tiếng Việt - Ngữ văn, Ngoại ngữ, Toán và Giáo dục thể chất được học trong suốt quá trình 12 năm. GS. Võ Tòng Xuân đề nghị Ban Soạn thảo thêm tiết học ngoại ngữ để nâng cao năng lực giao tiếp song ngữ.
Những "điểm nhấn" để đổi mới thành công
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã đạt mục tiêu đổi mới giáo dục Việt Nam một cách gần cơ bản và toàn diện. Theo GS. Võ Tòng Xuân, để đạt mục tiêu cơ bản và toàn diện, có một số vấn đề cần phải được đổi mới.
Lớp mẫu giáo phải là đơn vị quan trọng nhất của giáo dục phổ thông, nên được bao gồm trong giáo dục phổ thông mới. Trong hệ thống giáo dục hiện tại của Việt Nam, các lớp mầm non và mẫu giáo của ta trước đây chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Hệ thống giáo dục các quốc gia tiên tiến luôn coi trọng giáo dục mầm non, do giáo viên "già dặn" đảm trách.
Thêm Bộ Chuẩn kiến thức của từng môn học, Bộ nên giao nhiệm vụ cho ban soạn thảo huy động thêm chuyên gia các môn học tham khảo các Bộ Chuẩn kiến thức của các nước để soạn bộ chuẩn cho Việt Nam. Ví dụ môn Toán lớp 3 tuổi thì học gì, lớp 4 tuổi học gì, cho đến lớp 12 học gì.
Về đào tạo giáo viên, đây là khâu gay go nhất. Gần như tất cả các môn học sẽ đổi mới về nội dung kiến thức và phương pháp dạy/hướng dẫn.
Vấn đề này không được xem thường, phải thẳng thắng nhìn nhận chất lượng đội ngũ giáo viên phổ thông của ta hiện nay để thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên. Sao cho mỗi giáo viên tốt nghiệp Chương trình đào tạo giáo viên mới phải đạt trình độ cơ bản chuẩn về Tiếng Việt và Tiếng Anh (hoặc Ngoại ngữ 1 khác) và các môn học mới thiết kế bởi chương trình giáo dục phổ thông vừa soạn thảo.
Đối với các giáo viên hiện đứng lớp, cần một chương trình đào tạo cấp tốc giáo viên dạy chương trình mới với Bộ Chuẩn kiến thức môn học mới sẽ được Bộ GD&ĐT công bố. Mỗi giáo viên môn học được huấn luyện phương pháp dạy, phương pháp đánh giá mức độ học sinh đạt chuẩn kiến thức... Làm quen cách dạy với thực tế môn học, phải có khả năng chỉ cho học sinh những ứng dụng của kiến thức đang học vào thực tiễn. Khai thác khía cạnh hướng nghiệp của môn học mình đang dạy.
Phương tiện dạy và học của mỗi trường học phải được trang bị thật đầy đủ: trợ huấn cụ (đồ chơi để học, máy móc, sân vườn...). Bên cạnh đó các thư viện với tài liệu tham khảo cơ bản (cả giáo viên và học sinh đều tham khảo) và nối mạng Internet với nhiều đầu máy tính...
Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục (Bộ GD&ĐT)