Nâng
cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống,
đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kĩ năng thực hành, vận dụng
kiến thức vào thực tiễn, phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học
tập suốt đời là mục tiêu của đổi mới chương trình (giáo dục phổ thông) GDPT
mới. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần phải nâng cao chất lượng hoạt
động giáo dục toàn diện.
Hiểu
đúng về hoạt động giáo dục toàn diện
Theo
qui định của chương trình GDPT hiện hành, hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động
trong giờ lên lớp, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp nhằm giúp HS phát triển
toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản, phát
triển năng lực cá nhân, tính năng động sáng tạo, xây dựng tư cách và trách
nhiệm công dân; chuẩn bị cho HS tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao
động. Trong đó:
Hoạt
động trong giờ lên lớp bao gồm hoạt động dạy của giáo viên (GV) và
hoạt động học của HS, nhằm tạo dựng hệ thống tri thức khoa học và qua đó hình
thành nhân cách (phẩm chất và năng lực) cho HS.
Hoạt
động ngoài giờ lên lớp (HĐNGLL) được hiểu là quá trình kết hợp có mục
đích vai trò chủ đạo của GV với hoạt động của học sinh nhằm hình thành ý thức,
tình cảm, hành vi thói quen đạo đức phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Qua nhiều
con đường, đặc biệt con đường dạy học và HĐNGLL, giáo dục hướng tới sự hình
thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho HS.
Tuy
nhiên, với quan điểm hoạt động giáo dục bao gồm hoạt động trong giờ lên lớp và
HĐNGLL như hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế như: chương trình giáo dục vẫn tập
trung nhiều vào các môn học trên lớp, chưa chú ý đúng mức các hoạt động giáo
dục mang tính trải nghiệm, rèn luyện đạo đức và kĩ năng; về phương pháp giảng
dạy lại quá thiên về truyền đạt kiến thức lý thuyết, hàn lâm mà ít chú trọng
đến gắn việc học của HS với giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra; một bộ
phận CBQL,
GV
coi giáo dục toàn diện là phải giáo dục trên tất cả các lĩnh vực, được thể hiện
ở các môn học, trong đó chủ yếu bố trí thời gian học ở trên lớp, còn các hoạt
động khác có thể nhiều hoặc ít, có khi không có tuỳ theo tình hình thời gian và
tài chính; năng lực tự học và tự giáo dục của HS chưa chú trọng đúng mức, trong
khi yêu cầu của mục tiêu Chương trình GDPT mới, năng lực tự chủ và tự
học là năng lực quan trọng nhất trong 10 năng lực cần hình thành ở
HS, đồng thời hoạt động tự học và tự giáo dục của HS chính
là con đường phát triển nhân cách bền vững nhất của con người.
Với
những lý do trên, trong Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu
học) và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) sẽ thay thế cho
HĐNGLL.
Hoạt
động trải nghiệm là các hoạt động giáo dục bắt buộc, trong đó HS dựa
trên sự huy động tổng hợp kiến thức và kĩ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau để
trải nghiệm đời sống học đường, gia đình, xã hội, tham gia hoạt động hướng
nghiệp và hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo
dục, qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng
lực thuộc đặc thù hoạt động này như năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động,
năng lực định hướng nghề nghiệp, năng lực thích ứng với những biến động trong
cuộc sống và các kĩ năng sống khác.
Nội
dung cơ bản hoạt động trải nghiệm xoay quanh các mối quan hệ giữa cá nhân HS
với bản thân, giữa HS với người khác, với cộng đồng và xã hội, giữa HS với môi
trường và giữa HS với nghề nghiệp.
Như
vậy, hoạt động giáo dục toàn diện là những hoạt động nhằm tác động lên sự hình
thành và phát triển phẩm chất và năng lực, phát triển hài hòa đức, trí, thể, mĩ
và phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của HS, chúng bao gồm các
hoạt động như: hoạt động dạy học của giáo viên, hoạt động trải nghiệm
của HS và hoạt động tự học, tự giáo dục của HS.
Trong
đó, theo GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn, tự học là tự mình
động não, suy nghĩ, sử dụng các năng lực trí tuệ, (so sánh, quan sát, phân
tích, tổng hợp,...) và có khi cả cơ bắp (khi phải dùng công cụ) cùng các phẩm
chất của mình, cả động cơ, tình cảm, nhân sinh quan, thế giới quan (như trung
thực, khách quan, có chí tiến thủ, không ngại khó,...) để chiếm lĩnh một lĩnh
vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của mình.
Còn tự
giáo dục là hoạt động có mục đích, có ý thức của cá nhân hướng
vào việc xây dựng, hoàn thiện những phẩm chất nhân cách của mình theo đúng
chuẩn mực xã hội. Vì vậy, tự giáo dục có cơ sở là tự đánh giá, hay nói cách
khác trình độ phát triển của tự đánh giá là điều kiện quan trọng của tự giáo
dục.
Lão
Tử (Trung Quốc) cho rằng: "Người thầy tốt nhất là chính mình". Nghị
quyết số 29-NQ/TW đã khẳng định: "Tập trung dạy cách học, cách nghĩ,
khuyến khích tự học, tạo điều kiện để người học tự cập nhật và đổi mới tri
thức, kĩ năng, phát triển năng lực". Đồng thời, với cuộc cách mạng công
nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra, đòi hỏi sự đóng góp của mọi giới năng động hơn,
tự lập, tự do, tự học, tự nghiên cứu, tự tiến bộ, tự động viên, nhất là óc sáng
tạo.
Với
quan điểm trên, hoạt động giáo dục toàn diện gồm 3 hoạt động thành phần đó
là: hoạt động dạy học của GV (hoạt động dạy của thầy và hoạt
động học của trò), hoạt động trải nghiệm của HS (tổ chức,
hướng dẫn, trọng tài của thầy và chủ thể tham gia của trò), hoạt động
tự học, tự giáo dục (tổ chức hoạt động tự học cho HS của thầy và tự
học, tự giáo dục của cá nhân hoặc nhóm HS). Sản phẩm của 3 hoạt động này chính
là các phẩm chất và năng lực của HS được hình thành và phát triển.
Giải
pháp nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục toàn diện
Chất
lượng hoạt động giáo dục toàn diện của một nhà trường chính là chất
lượng dạy học của GV, chất lượng hoạt động trải nghiệm của HS và chất
lượng hoạt động tự học, tự giáo dục của HS. Vì vậy, để nâng cao chất
lượng hoạt động giáo dục toàn diện là nâng cao chất lượng của 3 hoạt động nói
trên và một số CBQL trường học cho rằng, đây chính là thế "kiềng 3 chân"
đảm bảo cho một nhà trường phát triển có chất lượng và bền vững.
Để
nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục toàn diện, chúng tôi đề xuất một số giải
pháp sau: Thứ nhất, nâng cao nhận thức, hiểu biết về phát triển
toàn diện và hoạt động giáo dục toàn diện theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn
diện giáo dục cho cán bộ quản lý (CBQL), GV, HS và phụ huynh HS. Giải pháp này
sẽ từng bước khắc phục tình trạng "mục tiêu phát triển toàn diện chưa hiểu
và thực hiện đúng;
Thứ
hai, bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức hoạt động giáo dục toàn diện
cho CBQL và giáo viên. Đối với CBQL, đó là năng lực xây dựng kế hoạch, năng lực
huy động các nguồn lực để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục toàn diện, còn đối
với GV, đó là năng lực vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát triển
năng lực HS, năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm và năng lực hướng dẫn HS tự
học;
Thứ
ba, giải pháp đổi mới công tác đánh giá hoạt động giáo dục toàn diện,
bao gồm đổi mới trong đánh giá giảng dạy của GV theo chủ đề tích hợp, đánh giá
việc tổ chức thực hiện một chủ đề hoạt động trải nghiệm của GV và đánh giá chất
lượng hoạt động giáo dục toàn diện của một trường học. Để đánh giá chất lượng
hoạt động giáo dục toàn diện của một trường cần xây dựng bộ tiêu chuẩn gồm
nhiều chỉ số liên quan đến đầu vào, quá trình và đầu ra của hoạt động giáo dục
toàn diện;
Thứ
tư, giải pháp đầu tư, quản lý và khai thác cơ sở vật chất - kĩ thuật
trường học, thiết bị trường học phục vụ cho hoạt động giáo dục toàn diện. Cơ sở
vật chất - kĩ thuật trường học được hiểu là những cơ sở vật chất - thiết bị do
nhà trường quản lý, sử dụng và cơ sở vật chất - kĩ thuật xã hội như sân vận
động, nhà bảo tàng, di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sĩ,... mà nhà trường có
thể mượn hoặc thuê để phục vụ cho hoạt động giáo dục;
Thứ
năm, giải pháp phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để nâng cao
chất lượng hoạt động giáo dục toàn diện. Trong bối cảnh giáo dục theo hướng xã
hội hóa thì sự phối hợp này rất quan trọng.
Năm
giải pháp trên có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó, giải pháp nâng cao nhận
thức về phát triển toàn diện và hoạt động giáo dục toàn diện cho CBQL, GV, HS
và phụ huynh là quan trọng nhất và nền tảng cho các giải pháp khác; giải pháp
đổi mới đánh giá hoạt động giáo dục toàn diện gắn kết với giải pháp nâng cao
năng lực hoạt động giáo dục toàn diện cho CBQL, GV; giải pháp đầu tư, khai thác
cơ sở vật chất hiệu quả và phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội là
những giải pháp đảm bảo điều kiện để hoạt động giáo dục toàn diện có chất
lượng.
Nguồn:
Báo GD&TĐ