Đặc biệt theo ông, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên không chỉ có hình thức duy nhất là đào tạo ở nước ngoài. Việc học trực tuyến sẽ đem lại cơ hội học tập cho tất cả các giảng viên nâng cao trình độ.
Thầy không giỏi, khó triển khai chương trình mới
Vấn đề nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên hiện nay là rất bức thiết. Muốn có sản phẩm tốt, ông thợ phải tốt đã. Sắp tới, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm mới. Nếu thầy không tốt thì không thể triển khai tốt được.
Tôi lấy ví dụ ở cấp 2 có dạy môn tích hợp là mới, không đơn giản. Ngay cả những môn khác cũng đòi hỏi nâng cao định hướng năng lực, học để áp dụng vào cuộc sống. Nếu thầy không giỏi thì chỉ dạy được lý thuyết thôi...
Vì vậy, đặt ra vấn đề nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên là chủ trương đúng và trúng ở thời điểm hiện nay. Theo tôi, có mấy vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất, số giáo viên đang làm công tác giảng dạy rất đông. Thống kê của Bộ GDĐT là khoảng 1 triệu giáo viên. Vậy phải tìm ra phương thức đào tạo thích hợp để ai cũng được đào tạo lại.
Thứ hai, đối với giáo sinh sư phạm phải được tiếp xúc với những vấn đề mới, không chỉ chương trình mới mà còn là những vấn đề khoa học, công nghệ mới để nâng cao trình độ hiểu biết. Nếu chỉ dạy theo sách giáo khoa thì không được. Cuộc sống bên ngoài có biết bao nhiêu đòi hỏi thực tiễn, học là để giải quyết được những bài toán cuộc sống đặt ra.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ vào dạy học. Chẳng hạn những năm sắp tới cần ứng dụng biết bao công nghệ học tập, nếu thầy không giỏi về vấn đề đấy thì làm sao dạy học sinh được?
Chúng ta hiện nay quá lạc hậu rồi. Ví dụ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, tuyên bố sẽ học trực tuyến từ lớp 9 đến lớp 12, những trẻ em không đến trường vẫn học được cho thấy hiện nay phương thức học khác rồi. Chúng ta vẫn giữ phương thức phấn trắng bảng đen thì rất khó để theo kịp thời đại công nghiệp 4.0.
Nếu như chúng ta học được trực tuyến sẽ không cần quá nhiều giáo viên giỏi. Sẽ có thời gian để bồi dưỡng nhiều giáo viên trở thành giáo viên giỏi. Ví dụ trong một tỉnh có 30 trường trung học, các trường này kết nối mạng với nhau thì chỉ cần một giáo viên giỏi toán có thể giảng luôn cho tất cả các trường. Đấy là ưu điểm của phương pháp học trực tuyến.
Với cách học trực tuyến, thậm chí có thể mời được cả những thầy giỏi trong và ngoài nước về giảng dạy cho chúng ta. Có thể nói, đây là giải pháp cho việc thiếu giáo viên và có cơ hội để đào tạo lại những giáo viên kém.
Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH
Đối với giáo dục ĐH, vấn đề tự chủ đến nay không còn là thí điểm ở một số trường mà đã được khuyến khích ở tất cả các trường. Với việc thông qua Luật Giáo dục ĐH sửa đổi vừa qua, có thể kỳ vọng những phát triển mới của giáo dục ĐH trong nước.
Trong đó, vấn đề nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đã được Nhà nước quan tâm thể hiện trực tiếp trong Đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây.
Có thể nhận thấy một điểm rõ rệt là hiện nay chúng ta đang thiếu những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành. Nếu như các trường ĐH liên kết với nhau được thì có lợi rất nhiều, có thể thu hút được nhiều học sinh đi học chứ không chỉ như hiện nay. Việc học theo tín chỉ hiện nay cũng giúp sinh viên chủ động sắp xếp thời gian để hoàn thành việc học của mình nhưng nếu đẩy mạnh được cả giáo dục ĐH trực tuyến thì sẽ giúp nhiều người học có cơ hội tiếp cận nhanh hơn với tri thức bậc cao.
Nếu vẫn chỉ lên lớp như bình thường, mỗi lớp 50 học sinh với bảng đen, phấn trắng thì cuối cùng vẫn là thầy nói, trò ghi... không có gì khác so với giáo dục cách đây 50 năm và chẳng khác gì các cấp học bậc thấp khác. Giáo dục ĐH ở ta nhìn chung vẫn lạc hậu so với nhiều nước khác trên thế giới. Hiện nay tôi thấy Viện ĐH mở có nơi học trực tuyển rất hay. Bất cứ đơn vị nào kết nối thì cũng có thể áp dụng được hết nhưng hiện chưa có nơi nào kết nối với nó...
Ví dụ một trường ĐH liên kết với trường ĐH của Pháp, mình mời giáo sư của Pháp giảng về kinh tế tri thức, bao nhiêu trường ĐH khác cần nội dung này thì cũng có thể kết nổi để nghe cùng.
Như vậy, mục tiêu thu hút khoảng 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước, ngoài các cơ sở giáo dục ĐH đến làm việc tại các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam mà Đề án đặt ra sẽ khả thi khi các nhà khoa học này có thể cộng tác theo hình thức giáo dục trực tuyến.
Với mục tiêu đưa 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường ĐH Việt Nam với các trường ĐH nước ngoài có uy tín, đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới, tôi hoàn toàn ủng hộ vì đó là các cán bộ đầu ngành cần đưa đi đào tạo. Nhưng với kinh phí có hạn, con số này không thể quá nhiều. Còn học trực tuyến sẽ đem lại cơ hội học tập cho tất cả các giảng viên khác nâng cao trình độ.
Để làm được như vậy chương trình phải quốc tế hóa. Cần liên kết với các nước khác để làm. Bởi với những vấn đề khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng thì kiến thức của những môn toán, lý hóa... là kiến thức chung của nhân loại, không có biên giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng được.
Tất nhiên, kèm theo đó là đòi hỏi về năng lực ngoại ngữ phải nâng lên. Phải biết sử dụng thành thạo các phương tiện intetnet để phục vụ cho việc dạy và học ngày càng tiệm cận với xu hướng phát triển của thế giới.
Theo Thu Hương (đaioanket)