Trách nhiệm "đầu tàu"

Để đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ giáo dục cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, trong đó yếu tố đội ngũ giáo viên và vai trò cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao được chú trọng quan tâm phát triển hàng đầu. Như vậy, chất lượng cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) được coi như bệ đỡ để thực hiện thành công các mục tiêu chất lượng giáo dục, đổi mới giáo dục.

Có thể thấy, CBQLGD có vai trò của người điều hành một hệ thống lớn và phức tạp, đồng thời thực thi các chính sách giáo dục đa dạng và mềm dẻo để giải quyết chủ động và sáng tạo các vấn đề mới nảy sinh như: Phân cấp quản lý, trách nhiệm xã hội, huy động nguồn lực, dân chủ hóa giáo dục, tin học hóa quản lý… CBQLGD phải đóng vai trò nhà chính trị để tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ và tổ chức.

CBQLGD là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục trong nhà trường. Để hoàn thành sứ mệnh đặc biệt đó thì người CBQLGD phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao, có phẩm chất đạo đức tốt. QLGD hiện nay đòi hỏi CBQLGD phải tiếp nhận và biết vận dụng nhiều phương pháp và phương tiện quản lý hiện đại phù hợp và có hiệu quả. Khi xã hội bước sang một thời kỳ mới, CBQLGD đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm thực hiện thành công chính sách giáo dục và nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục.

CBQLGD phải xoay xở như một doanh nhân và cũng phải biết hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách; Phải quyết đoán và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, tổ chức thực hiện minh bạch hóa các hoạt động chuyên môn, tổ chức, nhân sự và kĩ năng chủ yếu của họ là giải quyết vấn đề đó.

Không bị động trước đổi mới

PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền - Khoa Quản lý giáo dục - Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng: CBQLGD hiện nay bên cạnh việc không ngừng phát huy thế mạnh, bản sắc của địa phương và nguồn tri thức toàn cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa, thì cần đặc biệt quan tâm tới việc quản lý nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Do đó, việc thiết kế chương trình bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, chuyên viên ngành Giáo dục nói chung và CBQLGD trong các nhà trường nói riêng là một việc làm cần thiết để họ có thể học thường xuyên, học suốt đời, đáp ứng được xu thế đổi mới không ngừng của thời đại. 

PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền đề xuất các căn cứ xây dựng khung kiến thức, kĩ năng của chương trình bồi dưỡng CBQLGD về quản lý nhà trường để đáp ứng chương trình, sách giáo khoa mới cần có là: Lý luận về việc xây dựng chương trình theo tiếp cận năng lực; Yêu cầu về chất lượng và năng lực đội ngũ CBQLGD trong bối cảnh mới. 

ThS. Lê Đình Bình - Trường ĐH Thủ Dầu Một cũng khẳng định: CBQLGD là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục trong nhà trường. Để hoàn thành sứ mệnh đặc biệt đó thì người CBQLGD phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao, có phẩm chất đạo đức tốt. Vì vậy, việc bồi dưỡng để có được đội ngũ CBQLGD có năng lực là hết sức quan trọng.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng CBQLGD hiện nay cần căn cứ vào vai trò ngày càng cao và mô hình đa chiều về phẩm chất, năng lực của CBQLGD. Từ đó, xây dựng các chương trình như: Bồi dưỡng CBQLGD, kiến thức pháp luật và kĩ năng công tác pháp chế cho cán bộ pháp chế ngành Giáo dục. Bồi dưỡng nghiệp vụ cộng tác viên thanh tra giáo dục; nâng cao năng lực quản lý tài chính, tài sản trong giáo dục…

Cần tăng cường bồi dưỡng các kiến thức mà nhà lãnh đạo giáo dục cần có như: Hiểu biết về học sinh, những nguyên tắc cơ bản về sự phát triển của học sinh và các học thuyết học tập mới nhất, các nhu cầu đa dạng của học sinh… Hiểu biết pháp luật, Luật Giáo dục, Luật Viên chức… Hiểu được vai trò của nhà trường đối với sự phát triển của cộng đồng, các học thuyết lãnh đạo giáo dục, các phương pháp nghiên cứu quản lý giáo dục, công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục… Cùng đó, CBQLGD cũng cần được bồi dưỡng các kĩ năng: Lãnh đạo và đào tạo sự thay đổi; Xây dựng viễn cảnh, chính sách và quản trị; Quản lý tổ chức; Lập kế hoạch và phát triển chương trình; Quản lý hoạt động dạy học; Đánh giá đội ngũ và quản lý nhân sự…

Trước yêu cầu về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Chương trình sách giáo khoa mới… công tác bồi dưỡng CBQLGD cũng cần phải thay đổi để nâng cao chất lượng đội ngũ, cung cấp cho xã hội những CBQLGD phù hợp. Đó phải là những CBQLGD biết tiếp nhận, vận dụng nhiều phương pháp và phương tiện quản lý hiện đại phù hợp và có hiệu quả...

Theo Đức Hạnh (GD&TĐ)