Giáo
dục mầm non giữ vai trò quan trọng
GS.TS Nguyễn Đình Hương,
nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng
của Quốc hội cho rằng: “Giáo dục mầm non giữ vai trò hết sức quan trọng trong
việc hình thành nhân cách, thể chất và trí tuệ của con người. Giáo dục mầm non
là tiền học đường. Mầm non có thể hiểu từ lúc người mẹ mang thai đến khi trẻ
chào đời đến 6 tuổi vào lớp 1.
Do đó, vai trò người mẹ và xã
hội hết sức quan trọng đối với việc hình thành thể chất của người công dân tương
lai. Vì thế, cần quy định GV mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở
lên. GV mầm non có bằng tốt nghiệp càng cao càng tốt. Lương GV mầm non được
hưởng theo năng lực và trình độ đào tạo. Khuyến khích GV mầm non có bằng tốt
nghiệp cao giảng dạy ở các cơ sở giáo dục mầm non”.
Bậc học mầm non rất quan trọng
và giáo viên là yếu tố then chốt quyết định chất lượng chăm sóc và giáo dục
trẻ. Mỗi đứa trẻ sau này sẽ là ai, sẽ trở thành người như thế nào, nhân cách
của trẻ sẽ phát triển ra sao?... Một phần trách nhiệm thuộc về các cô nuôi dạy
trẻ, “người mẹ hiền thứ hai” của các em. Vì vậy, một đội ngũ giáo viên mầm non
được đào tạo bài bản là điều đáng mơ ước như Bác Hồ kính yêu đã nói "Giáo
dục mầm non tốt sẽ mở đầu cho nền tảng giáo dục tốt".
Theo
ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo
dục Mầm non, Bộ GD&ĐT, hiện nay trong chương trình đào tạo GV mầm
non chỉ dừng lại đào tạo ở trung cấp nên không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thực
tiễn cho thấy, qua các kỳ khảo sát, đánh giá ở các cơ sở GD mầm non, hầu hết GV
được đào tạo trình độ THSP đều gặp khó khăn rất lớn trong quá trình GD trẻ. Đây
cũng là nguyên nhân gây nên nhưng vụ bạo hành trẻ mầm non trong thời gian qua.
Việc nâng chuẩn GV mầm non là việc làm cần thiết trong quá trình đổi mới giáo
dục.
Cần
đào tạo bài bản, chuyên nghiệp
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT,
tổng số cán bộ GV mầm non của cả nước năm học 2017 - 2018 bao gồm cả nhà trẻ và
mẫu giáo là 337.488 GV. Số GV đạt chuẩn (trình độ trung cấp trở lên) là 332.403
người (chiếm 98,5%). Bên cạnh đó, hệ thống GD mầm non trên cả nước có 159.007
người làm công tác quản lý, gồm 14.739 hiệu trưởng, 22.608 hiệu phó,121.660
người là nhân viên.
Nếu theo Dự thảo Luật Giáo dục
sửa đổi (GVMN phải tốt nghiệp CĐ trở lên) thì số lượng GVMN chưa đạt chuẩn là
107.150 người, chiếm 33,8% (29.221 GV ở bậc nhà trẻ và 77.929 GV bậc mẫu giáo).
Tuy nhiên, đây là số liệu của năm học 2016 - 2017. Nếu tính vào thời điểm Luật
Giáo dục sửa đổi có hiệu lực (năm 2019) thì số lượng GVMN chưa đạt trình độ CĐ
sẽ giảm nhiều so với thống kê nói trên.
Chia sẻ về tính khả thi khi
Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, ông Hoàng Văn Thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là một địa phương có nhiều đặc thù, vùng, miền,
dân tộc. Hiện nay có gần 50.000 GV ở bậc THPT, riêng mầm non trên chuẩn 73,6%,
tiểu học trên chuẩn 79,3%. Việc đạt 100% trình độ trên chuẩn trở lên là có tính
khả thi.
Việc
nâng chuẩn là vấn đề quan trọng nhất trong phát triển giáo dục mầm non. TS
Trịnh Văn Tùng, giảng viên Trường CĐSP Mẫu giáo Trung ương cho rằng, trong bối cảnh
hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ, nền giáo dục Việt Nam đang đứng trước những
cơ hội và thách thức. GD mầm non cần khẳng định vai trò và vị trí của mình, mỗi
giáo viên mầm non cần không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất và năng lực, cần
tạo cho mình bản lĩnh nghề nghiệp và kĩ năng học tập suốt đời nhằm đáp ứng xu
thế phát triển của thời đại.
Để bảo đảm chất lượng GDMN,
không để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ như thời gian qua. Cần có quy định đối
với người trực tiếp chăm sóc trẻ ở các cơ sở ngoài công lập phải có bằng hoặc
chứng chỉ đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ mầm non và có
phẩm chất đạo đức phù hợp. Cần nghiêm cấm tuyển dụng người chưa qua đào tạo bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp chăm sóc trẻ mầm non.
Chuẩn
giáo viên mầm non là động lực, là tiêu chí để mỗi giáo viên mầm non phấn đấu,
tự hoàn thiện mình, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà xã hội tôn vinh “cô giáo
như mẹ hiền”.
Theo TS Trịnh Văn Tùng, chương
trình GD mầm non hiện nay được xây dựng theo hướng tăng quyền tự chủ của GV mầm
non trong việc tổ chức các hoạt động GD. Xu hướng này đang chuyển hướng từ
phương thức giáo dục truyền thống với cách giảng dạy theo giáo trình cứng nhắc
và theo quy tắc, sang mô hình giáo dục linh hoạt, trong đó các cô giáo nhận
định khả năng riêng của từng học sinh để áp dụng chương trình dạy và học cá thể
hoá cho học sinh đó. Giáo án linh hoạt hơn cũng đòi hỏi các giáo viên phải có
tay nghề cao hơn và có khả năng cá thể hóa kế hoạch học tập cho học sinh của
họ. Vì thế, GV phải được đào tạo bài bản. Đây là một trong những điều kiện để
chúng ta đổi mới GD mầm non.
Theo Lê
Đăng (GD&TĐ)