Cần nỗ lực tự học, tự bồi dưỡng

Nâng chuẩn trình độ đào tạo của GV tiểu học, trung học cơ sở từ trung cấp, cao đẳng lên ĐH là một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật GD sửa đổi, bổ sung đang được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây. Với vai trò là một người GV đang làm công tác giảng dạy tại trường tiểu học, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.

Trước đây, theo Luật GD năm 2005, điều 77, mục 1.a quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm đối với GV mầm non, GV tiểu học, do đó đa số GV chỉ cần học trung học sư phạm, hệ 9 + 3… là có thể dạy ở các trường tiểu học.

Theo thời gian, xã hội càng phát triển, GD - ĐT cũng phát triển theo, đòi hỏi ngày càng cao về phẩm chất năng lực của đội ngũ GV. Tự học, tự bồi dưỡng là phương thức tốt nhất giúp người GV tiến bộ, trưởng thành, có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành nhiệm vụ GD - ĐT được giao.

Cùng với yêu cầu đổi mới GD toàn diện và chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, GV là yếu tố quyết định nên bắt buộc mỗi thầy, cô giáo phải nỗ lực tự học, tự bồi dưỡng, tự đổi mới. Theo đó, GV sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi nhà giáo và toàn ngành.

Nhiệm vụ "đổi mới căn bản và toàn diện GD" đặt lên vai đội ngũ nhà giáo những yêu cầu mới với trách nhiệm lớn hơn trong dạy học và GD. Mỗi thầy giáo, cô giáo không những là người giỏi về chuyên môn dạy học các môn học mà còn phải là người có năng lực sư phạm, năng lực GD và truyền động lực học tập, tu dưỡng đạo đức nhân cách tới mỗi HS.

Hoạt động dạy của GV và hoạt động học của HS phải bảo đảm có sự tương tác. Trong đó, GV giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, trọng tài; HS không chỉ là đối tượng của hoạt động dạy mà cũng chính là chủ thể của hoạt động học. Chính vì vậy, nhằm đáp ứng được yêu cầu trên, GV cần phải có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mỗi thầy giáo, cô giáo cần nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng tốt và hòa nhập với nhịp độ phát triển của xã hội.

Hiện nay, không ít GV vẫn đang miệt mài tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ của mình bằng nhiều cách, nhiều hình thức khác nhau để tham gia các lớp đào tạo ĐH, sau ĐH của các trường sư phạm.


Học tập là " khóa vạn năng"

Nhớ đến ngày đầu bước chân vào nghề, bản thân tôi cũng chỉ tốt nghiệp trung học sư phạm. Nhưng với quan điểm "học để tiếp thu kiến thức mới và để dạy tốt hơn", tôi đã tham gia các lớp học theo hình thức vừa học vừa làm. Và đến hôm nay, tôi đã có tấm bằng thạc sĩ với những năm tháng miệt mài phấn đấu không ngừng, vượt qua những khó khăn, những ánh mắt dò xét, có lúc như muốn buông xuôi tất cả vì xung quanh có rất nhiều GV chỉ tốt nghiệp cao đẳng họ vẫn đứng lớp, giảng dạy, thậm chí lương cao hơn.

Ở các trường phổ thông, Ban giám hiệu luôn tạo điều kiện, khuyến khích GV tự học nâng cao trình độ chuyên môn bằng hình thức đào tạo từ xa, văn bằng 2. Do đó, hầu hết các GV ở một số thành phố lớn đều đã tốt nghiệp ĐH hoặc sau ĐH.

Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề nâng chuẩn trình độ GV, cần có:

- Tạo điều kiện để GV tham gia các lớp học bằng hình thức không tập trung để tránh ảnh hưởng và xáo trộn thời gian, công việc của GV.

- Có chế độ chính sách về tiền lương phù hợp với từng trình độ khác nhau (ĐH, sau ĐH) nhằm khuyến khích GV tự học, tự bồi dưỡng.

- Dừng tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng sư phạm để đáp ứng đúng yêu cầu khi Luật GD được Quốc hội thông qua.

- Có kế hoạch riêng, phù hợp với từng vùng miền, đặc biệt là những vùng khó khăn, hải đảo xa xôi.

Có thể nói, không một bước phát triển nào của văn minh nhân loại mà không gắn với việc học. Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc học tập ở mỗi thời đại, mỗi xã hội cũng có những chỗ khác nhau. Thời đại ngày nay, viễn cảnh con người một quốc gia trở thành công dân toàn cầu đã dần dần là một thực tế. Trái đất trở thành "thế giới phẳng".

Thế giới tự nhiên, xã hội xung quanh ta, kể cả chính bản thân con người đều ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Biết bao câu hỏi đặt ra đâu dễ gì tìm thấy ngay câu trả lời. Chưa nói đến vô số những kiến thức phức tạp, khó hiểu ở mọi ngành khoa học nhiều khi rất xa lạ với trình độ của số đông. Thế nhưng, vấn đề dù khó khăn, bí ẩn đến đâu cũng có thể tìm thấy chìa khoá để giải mã.

Chiếc chìa khoá vạn năng đó không có gì khác hơn ngoài hai chữ "học tập". Chính nhờ học tập mà loài người đã chiếm lĩnh được kho tri thức khổng lồ như hiện nay. Chính nhờ việc học mà khoa học đã có những bước tiến thần kì.

Từ xưa đến nay, học tập được xem là nhu cầu tồn tại và phát triển của xã hội. Học là nhu cầu, là quyền lợi của mỗi cá nhân; học cũng có thể được xem là phương tiện, là hành trang chắp cánh cho con người thực hiện và làm chủ mơ ước của mình; học không giới hạn ở tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị… khi nói đến "học" thì phải nói là không cùng. V.I.Lênin đã nói: "Học, học nữa, học mãi".

Ai đó nói rằng nghề giáo là an phận. Ai đó nói rằng nghề giáo là nhàn nhã. Nhưng không, nghề giáo là một nghề rất vất vả và cần rất nhiều hy sinh trong lặng lẽ. Nghề giáo chỉ nhàn hạ với những người không có trách nhiệm. Nghề giáo là nghề của sự bao dung, vị tha và yêu thương con người cháy bỏng. Do đó, để "trụ vững" được với nghề, người GV cần nỗ lực để tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, tay nghề của mình.

ThS Vũ Hoàng Sơn