Để quá trình giáo dục đạt được hiệu quả cao, cần thiết phải tạo được môi trường học tập thân thiện, tạo ra trường học hạnh phúc, khiến mỗi học sinh cảm nhận thấy hạnh phúc của bản thân khi học tập, rèn luyện và vui chơi trong đó. Thực hiện điều này, phải bắt đầu từ nhận thức của chính đội ngũ giáo viên.
Theo NGƯT.TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục học Hà Nội: "Để giúp mỗi giáo viên chủ động vượt qua áp lực nghề nghiệp, không có cách nào khác họ phải vượt qua chính mình để tìm niềm vui hạnh phúc trong quá trình sáng tạo nghề nghiệp".
Với đặc thù nghề nghiệp, mỗi giáo viên phải biết lãnh đạo chính mnh, tự mình vượt qua những áp lực, nghịch cảnh của cuộc sống. Bởi lẽ, nghề dạy học không phải chỉ là nghề truyền thụ kiến thức mà phải là nghề "dạy người" bằng chính nhân cách của mình.
Nhân cách của người thầy càng lớn, càng có sức hút, lan tỏa, tác động đến học sinh. Mặt khác, muốn lãnh đạo chính mình trước hết giáo viên phải tự đánh giá được bản thân có những ưu điểm gì và còn những hạn chế nào trong quá trình phát triển nghề nghiệp.
Trong buổi hội thảo "Nhà giáo Hà Nội vì trường học hạnh phúc - Bắt đầu từ 7 thói quen", TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: "Nếu không có một đội ngũ nhà giáo có chất lượng, thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục".
"Đặc biệt từ sau năm 2020, khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới theo hướng tích hợp các môn học, phát triển theo năng lực người học nếu giáo viên không được huấn luyện có đủ kỹ năng, thói quen để làm tốt trong các giờ lên lớp, tạo hứng thú cho học sinh mà để giáo viên tự do, tùy tiện thực hiện thì chắc chắn chúng ta không thể thay đổi tận gốc về chất đội ngũ nhà giáo hiện nay", TS. Nguyễn Tùng Lâm nhận định.
Ngoài ra, để giúp đội ngũ giáo viên vượt qua chính mình, biết tự lãnh đạo bản thân, Hội Tâm lý - Giáo dục học Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển Giáo dục và Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, triển khai chương trình giáo dục "Lãnh đạo bản thân" (The leader in Me) của TS. Stepphen R.Covey (người Mỹ) khởi xướng những năm gần đây.
Chương trình này đã được nhiều trường học ở Mỹ, Singapo và nhiều nền giáo dục tiên tiến áp dụng để xây dựng đội ngũ nhà giáo và áp dụng giáo dục học sinh với 7 thói quen: sống chủ động; bắt đầu với mục tiêu; ưu tiên việc quan trọng; tư duy cùng thắng; hiểu rồi được hiểu; hợp lực và rèn giũa bản thân.
Thông qua việc thực hiện 7 thói quen, không chỉ tạo ra sự thay đổi trong hành vi của mỗi giáo viên, mà sẽ dẫn đến sự thay đổi về văn hóa của lòng tin trong khuôn viên trường học. Mỗi giáo viên sẽ áp dụng các thói quen hay kỹ năng được học để phát huy nội lực, vượt qua những áp lực của cuộc sống và thực hiện hiệu quả sứ mệnh nghề nghiệp của mình, tạo nên nhiều trường học hạnh phúc với những lứa học trò hạnh phúc.
"Muốn đội ngũ giáo viên phát huy hết nội lực, chúng ta phải có cơ chế tự chủ cho các nhà trường cũng như trao quyền cho mỗi giáo viên để họ có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân thay vì áp đặt họ theo một khuôn mẫu nhất định, có như vậy mới có thể tạo ra những trường học hạnh phúc, mang lại niềm vui hạnh phúc cho các thầy cô giáo khi chính họ lan tỏa đến cho các học trò của mình niềm vui và hạnh phúc." - TS. Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Theo Bảo Minh (GD&TĐ)