Giáo dục chủ trì, Nội vụ phối hợp

Theo TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), trong điều kiện hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên phải đi về một mối. Ngành Giáo dục hiện đang là đơn vị sử dụng giáo viên, đánh giá giáo viên và chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục thì đương nhiên họ phải có quyền tự chủ về tuyển dụng.

"Theo cơ chế hiện nay, ngành Nội vụ họ nắm không chắc về công việc cụ thể và không chịu chất lượng về giáo dục, vậy thì tại sao lại là đơn vị chủ trì vềtuyển dụng nhân sự cho giáo dục. Đến khi có việc xảy ra thì ngành Giáo dục lại chịu trận. Theo tôi cần phải đổi lại: Giáo dục chủ trì, phối hợp với ngành Nội vụ, chứ không phải là: Nội vụ chủ trì, phối hợp với ngành Giáo dục" - TS Nguyễn Đắc Hưng nêu quan điểm.

Theo cơ chế tuyển dụng mà TS đề xuất thì ngành Giáo dục sẽ phải chịu trách nhiệm cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn không phá vỡ biên chế chung. "Không thể vì số lượng biên chế mà siết chặt ngành này, mở rộng ngành kia để cân đối về cơ cấu, nhân lực nhưng lại không đáp ứng "hu cầu về chất lượng" - TS Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Đắc Hưng, tuyển dụng giáo viên cần xác định theo vị trí việc làm. Để thực hiện được việc này cần đẩy mạnh về vấn đề tự chủ theo từng trường, như thế sẽ chọn được người giỏi. Thu nhập của giáo viên sẽ được hưởng theo mức độ người ta đóng góp. Tự chủ còn đảm bảo công bằng giữa dân lập và công lập. Đẩy mạnh tự chủ sẽ tốt cho chất lượng.

TS. Nguyễn Đắc Hưng

Tuyển dụng giáo viên là việc của ngành Giáo dục

Ông Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, nếu theo cơ chế mới, nhất là Đề án Cải cách tiền lương và vị trí việc làm thì cần thay đổi cơ chế tuyển dụng giáo viên. Theo đó, vấn đề tuyển dụng giáo viên thì ngành Giáo dục phải làm, phải chủ trì và chịu trách nhiệm; còn phía ngành Nội vụ sẽ thay mặt UBND phân bổ chỉ tiêu biên chế.

Ông Trịnh Ngọc Thạch phân tích, ngành Giáo dục chủ trì tuyển dụng giáo viên thì họ mới biết chất lượng thế nào và cần ở vị trí nào. Còn nếu như hiện nay thì ngành Nội vụ đang làm chung, mà đã là chung thì cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Thiết nghĩ một số ngành đặc thù như Giáo dục nên để họ tự chủ trong khâu tuyển dụng nhân sự; đặc biệt là tới đây khi áp dụng Chương trình, sách giáo khoa mới thì càng cần phải thay đổi về cơ chế, chính sách tuyển dụng theo hướng ngành Giáo dục chủ trì.

Ông Trịnh Ngọc Thạch

Cùng chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Ka H’Hoa - Đoàn Đắk Nông, cho rằng, cần thay đổi cơ chế tuyển dụng giáo viên. Theo đó, ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng, sử dụng, điều động giáo viên của mình, bởi trong ngành mới nắm chắc được các vị trí việc làm và chất lượng cần tuyển.

"Theo tôi, cần đổi mới căn bản khâu tuyển dụng. Bây giờ, hầu như ngành Giáo dục đang ở ngoài cuộc. Vẫn là xin chỉ tiêu, đến khâu tuyển dụng thì chỉ là tính chất phối hợp. Thiết nghĩ phải đổi mới cơ chế này để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục" - Ông Trịnh Ngọc Thạch.

Minh Hải - Báo GD&TĐ