Vì vậy, để đáp ứng được cốt lõi vấn đề thì khâu đào tạo bồi dưỡng giáo viên cần được chú trọng và đổi mới để bắt kịp nhu cầu.
Đổi mới - việc tất yếu
Ngành sư phạm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục quốc dân. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, ngành sư phạm đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt, học tốt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Tuy nhiên, các trường sư phạm vẫn tồn tại những bất cập trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trường, xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế.
Đặc biệt, một số vấn đề còn chưa được các trường sư phạm chú trọng như rèn luyện lí tưởng, phẩm chất đạo đức của sinh viên và việc đào tạo nghiệp vụ sư phạm; nội dung đào tạo sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; chậm đổi mới phương pháp đào tạo và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên; kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục còn hạn chế…
Để khắc phục những bất cập các trường/ khoa sư phạm phải có các giải pháp quyết liệt để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.
Đổi mới từ khâu đào tạo
GS.TS. Đinh Xuân Khoa và PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng (Trường ĐH Vinh) cho rằng, đổi mới đào tạo giáo viên cần tiến hành trên nhiều mặt. Đó là đổi mới mô hình đào tạo, chương trình đào tạo, tổ chức đạo tạo, phương pháp đào tạo. Đổi mới cũng đồng thời cả việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên trong các trường/khoa sư phạm. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục ở các trường/khoa sư phạm. Cần có sự tăng cường phối hợp giữa các trường/khoa sư phạm, giữa các trường/khoa sư phạm với các cơ sở giáo dục phổ thông…
Khi nêu ra những giải pháp đổi mới đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình SGK mới, GS.TS. Nguyễn Thị Côi - ĐHSP Hà Nội cũng cho rằng cần đổi mới về tổ chức đào tạo ở các trường sư phạm, bởi tổ chức đào tạo có vai trò quan trọng trong việc trang bị cho người học chuyên môn khoa học, kĩ năng nghề nghiệp ở cả bề rộng và chiều sâu...
Một trong số giải pháp phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới được TS. Phạm Thị Kim Anh – Viện Nghiên cứu Sư phạm nêu ra đó là đổi mới, thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên theo mục tiêu phát triển năng lực nghề và sự thay đổi của chương trình SGK mới.
Theo bà, chương trình đào tạo sư phạm hiện nay đang trong tình trạng giàu tri thức nghèo kĩ năng. Sinh viên ra trường chưa đủ năng lực thực hiện các hoạt động dạy học cơ bản trong thực tiễn nghề nghiệp và giải quyết tốt các tình huống xảy ra trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn đổi mới giáo dục.
Mục tiêu của chương trình đào tạo phải được cụ thể hóa bằng hệ thống năng lực của người giáo viên. Từ việc xác định rõ hệ thống các năng lực cần đào tạo cho sinh viên, người xây dựng chương trình sẽ lựa chọn những môn học, những đơn vị kiến thức cần thiết để hình thành năng lực cho sinh viên...
Chương trình đào tạo giáo viên phải được cấu trúc và thiết kế sao cho phát triển những năng lực nghề cần thiết cho sinh viên để có thể đáp ứng được thực tiễn phổ thông. Để làm được điều này, chương trình đào tạo giáo viên cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa học lí thuyết với thực hành, thực tập; tri thức lí luận với tri thức thực tiễn; tri thức khoa học với tri thức kinh nghiệm và tri thức hành động theo định hướng phát triển năng lực nghề… TS. Phạm Thị Kim Anh - Viện Nghiên cứu Sư phạm.
Theo Mai Hoàng (GD&TĐ)