Người thầy - người thiết kế, cố vấn
ThS. Nguyễn Thị Xuân Mai, Khoa Sư phạm, Trường ĐH An Giang cho biết: Trước những thay đổi lớn lao của giáo dục, dưới tác động của cách mạng 4.0, nhà trường sư phạm buộc phải thay đổi và một trong những thay đổi cốt yếu là nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, bởi họ là "người thầy của những người thầy", là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo ở các trường sư phạm và có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đội ngũ GV phổ thông.
Trong kỷ nguyên số này, hơn bao giờ hết, vai trò của người thầy có sự thay đổi mạnh mẽ. Giáo viên lúc này không còn là người truyền bá kiến thức, bởi chỉ cần một cái nhấp chuột, người học có thể truy cập thông tin và nguồn lực bất tận trên Internet. Vai trò của người giáo viên có sự biến đổi từ truyền thụ kiến thức theo lối truyền thống sang "người xúc tác và điều phối… người thiết kế, cố vấn, huấn luyện và tạo ra môi trường học tập".
Theo ThS. Nguyễn Thị Xuân Mai, trong thời đại mà kiến thức thông tin không khó tìm nhưng khó chọn lọc thì người học vẫn cần những người thầy "là cố vấn thông thái cho họ trong học tập và phát triển toàn diện thành công dân cân đối, biết tạo động cơ cho người học chậm hay học nhanh trong môi trường số". Muốn vậy, người giáo viên cần phải ngày càng bản lĩnh, không ngừng trau dồi năng lực của mình để đáp ứng yêu cầu mới.
Nhiệm vụ của người giáo viên là giảng dạy và nghiên cứu. Vì thế bên cạnh việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, giáo viên sư phạm cần phải bồi dưỡng năng lực NCKH. Hơn nữa, hai năng lực này cũng có mối quan hệ bổ trợ nhau rất lớn. Một người giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi sẽ là nền tảng vững chắc để thúc đẩy năng lực NCKH phát triển. Ngược lại, người giáo viên có năng lực NCKH tốt sẽ khám phá được nhiều cái mới, cái tiên tiến về nội dung, phương pháp phục vụ cho công tác giảng dạy.
Đổi mới hoạt động bồi dưỡng
Hiện nay hoạt động bồi dưỡng đội ngũ CBQL trường THPT đã và đang được triển khai ở một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBQL trên cả nước. Theo đó, công tác bồi dưỡng cần phải được đổi mới để đáp ứng chương trình GDPT mới.
Theo ThS. Trần Thị Thơm, Học viện Quản lý Giáo dục, CBQL trường THPT là đội ngũ có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhà trường. Vì vậy, để đội ngũ CBQL trường THPT thực hiện tốt vai trò của mình, chúng ta cần thường xuyên tổ chức các hoạt động bồi dưỡng để họ không ngừng phát triển bản thân. Hoạt động bồi dưỡng giúp cho CBQL trường THPT vững vàng hơn trong chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Bản chất của công tác bồi dưỡng là nâng cao phẩm chất, năng lực cho đội ngũ CBQL trường THPT để họ có đủ các điều kiện hoàn thành nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của mình. Nhà trường trong thời đại cách mạng 4.0 phải nhanh chóng có những thay đổi, đổi mới trong GD&ĐT để tạo ra những công dân mang tính toàn cầu. Sứ mệnh của GD toàn cầu là mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ phải chủ động thay đổi suy nghĩ, cách thức, phương pháp học tập, làm việc. Hiệu trưởng các nhà trường là chủ thể quản lý nhà trường, do vậy, họ phải được bồi dưỡng và bồi dưỡng liên tục để đáp ứng yêu cầu của sự thay đổi.
ThS. Trần Thị Thơm cho rằng: Người CBQL nhà trường phải là "người nhạc trưởng", "Dàn nhạc có một nhạc trưởng và nhiều nhạc công. Nhạc trưởng là người lãnh đạo còn nhạc công là người quản lý, họ quản lý nhạc cụ riêng để chơi nhạc. Trường học có một hiệu trưởng và nhiều giáo viên. Hiệu trưởng là người quản lý còn giáo viên là người quản lý lớp học riêng của họ".
Để đáp ứng được yêu cầu này, đòi hỏi người CBQL nhà trường phải không ngừng học tập và được bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, nắm bắt được sự biến đổi liên tục của thời đại mới, từ đó có phương pháp, cách thức quản lý cơ sở mình một cách tốt nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
Khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng
Từ góc độ quản lý các trường học trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trưởng khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội chia sẻ: Chương trình GDPT mới được đổi mới cả về cách tiếp cận, kết cấu môn học, nội dung và cách thức tổ chức dạy học… Điều này tất yếu đòi hỏi việc bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên hiện tại để họ có thể sẵn sàng thực hiện chương trình phổ thông sắp tới.
Mặt khác, các trường sư phạm cũng đã có những chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên tương lai kế cận bằng cách đổi mới chương trình đào tạo: Cập nhật chuẩn đầu ra, tăng cường kiến thức liên ngành, giảm tính hàn lâm để gắn bó tốt hơn với thực tiễn, tăng thời lượng cho rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá…
PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng đội ngũ, vai trò của cán bộ quản lý chủ chốt trong nhà trường cũng đặc biệt quan trọng. Những cán bộ quản lý có năng lực, đạo đức, tâm huyết mới có thể thu phục, tổ chức đội ngũ nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn tìm được đội ngũ cán bộ quản lý tốt phải có sự phát hiện, bồi dưỡng, tín nhiệm, đánh giá của đội ngũ giáo viên và các cấp lãnh đạo. Cán bộ quản lý giáo dục phải được bồi dưỡng, học tâp chuyên môn nghiệp vụ quản lý, vững vàng về chuyên môn theo Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
Có thể nói, trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên cần được ưu tiên. Bởi có giải quyết thành công bài toán nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo mới có thể hy vọng vào sự thành công của đổi mới giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đặt ra yêu cầu 100% giáo viên phải đạt trình độ chuẩn hoặc trên chuẩn; xếp loại từ Đạt yêu cầu trở lên theo quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học, giáo viên trung học. Đó là cơ sở để lập kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn giáo viên dạy học theo chương trình mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền
Theo Lê Đăng (GD&TĐ)