Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), quy mô dịch bệnh lần này có thể dẫn đến những thay đổi tích cực trong hệ thống giáo dục toàn cầu nói chung.

Thống kê của Tổ chức OECD hôm 13/3 cho biết, thế giới có hơn 421 triệu học sinh bị ảnh hưởng việc học hành do trường học đóng cửa toàn bộ tại 39 quốc gia và đóng cửa theo từng khu vực ở 22 nước khác. Tới ngày 23/3, hệ thống giám sát của UNESCO ghi nhận con số học sinh, sinh viên phải nghỉ học trên toàn cầu đã lên tới hơn 1,3 tỷ do có hơn 100 nước và vùng lãnh thổ ban bố tình trạng khẩn cấp và phong tỏa đất nước.

Quyết định đóng cửa trường học trên diện rộng chưa từng có để tránh lây lan bệnh dịch đã khiến hàng tỷ học sinh rơi vào tình huống “đi học tại nhà”. Thực tế này chắc chắn gây ra những bất tiện nhưng lại là tiền đề để thúc đẩy những đổi mới sáng tạo trong giáo dục. Hiện, còn sớm để đánh giá Covid-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giáo dục thế giới, nhưng ít nhất đã có 3 xu hướng chính có thể định hình lại nền giáo dục trong tương lai gần.

Thúc đẩy đổi mới trong giáo dục

Tình trạng thay đổi chậm chạp đang diễn ra khá phổ biến trong nhiều cơ sở đào tạo học thuật trên thế giới, nơi mà phương pháp giáo dục dựa trên bài giảng đã tồn tại hàng thế kỷ nay trong khi điều kiện cơ sở vật chất lạc hậu. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 trở thành một động lực để các cơ sở giáo dục trên khắp thế giới buộc phải tìm ra những giải pháp đổi mới trong một thời gian ngắn.

Ở Hồng Kông, sinh viên bắt đầu học tại nhà từ tháng 2 thông qua các app tương tác. Trong khi tại Trung Quốc đại lục, khoảng 120 triệu học sinh, sinh viên cũng được tiếp cận học liệu qua truyền hình trực tiếp. Với sự phát triển của công nghệ 5G, đại dịch càng khiến các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản có thêm điều kiện bùng nổ những giải pháp giáo dục theo phương châm “học ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào” của thời đại 4.0 qua các nền tảng số khác nhau.

Các lớp học truyền thống tại những nước phát triển về Internet sẽ dần được ứng dụng thêm nhiều phương pháp học tập mới như hình thức livestream hay trải nghiệm thực tế ảo (VR). Với sự phát triển công nghệ này việc học tập cũng sẽ trở thành một thói quen gắn liền với các hoạt động hàng ngày chứ không chỉ có thời gian ở trên lớp học như trước.

Mô hình đối tác công tư ngày càng được chú trọng

Chỉ trong vài tuần trước, thế giới đã chứng kiến một loạt liên minh giáo dục lớn nhanh chóng hình thành từ nhiều thành phần khác nhau như cơ quan chính phủ cho đến nhà xuất bản, chuyên gia giáo dục, nhà cung cấp công nghệ và nhà điều hành mạng viễn thông. Tất cả các tổ chức công và tư này cùng hợp tác để tạo ra các nền tảng số như một giải pháp tạm thời cho hoạt động giáo dục trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch Covid-19.

Tại các nước vốn có nền giáo dục chủ yếu do chính phủ quản lý và điều hành, mô hình hợp tác công tư nói trên sẽ trở thành xu hướng tất yếu sau đại dịch. Tại Trung Quốc, Bộ Giáo dục nước này mới đây đã lập một nhóm chuyên trách gồm nhiều thành phần khác nhau đến từ chính phủ và khối tư nhân, để phát triển một nền tảng giáo dục trực tuyến mới dựa trên điện toán đám mây.

Trước đó, các tổ chức và doanh nghiệp như Microsoft và Google tại Mỹ cho đến Samsung tại Hàn Quốc, hay Tencent và Alibaba tại Trung Quốc đều quan tâm và đầu tư lớn cho những giải pháp và đổi mới trong giáo dục. Đại dịch lần này sẽ càng thúc đẩy mô hình hợp tác giữa các tổ chức công nghệ tư nhân này với những cơ quan chính phủ để hình thành hàng loạt liên minh quy mô lớn và đa ngành nhưng cùng chung mục tiêu phục vụ học tập.

Khoảng cách về điều kiện công nghệ gia tăng

Hầu hết, các trường học trên thế giới bị ảnh hưởng bởi đại dịch đều đang tìm các cách thức hiện đại để tiếp tục việc dạy học của mình. Tuy nhiên, chất lượng của việc học tập sẽ phụ thuộc nhiều vào điều kiện công nghệ của mỗi nước. Trong khi đó, theo thống kê hiện chỉ có khoảng 60% dân số toàn cầu có thể tiếp cận một cách thuận tiện với Internet.

Điều này dẫn đến thực trạng là trong khi những lớp học ảo sử dụng phương tiện cá nhân đã khá phổ biến ở các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ, các nước châu Âu… thì nhiều học sinh ở những nền kinh tế kém phát triển chỉ mới tiếp cận việc học từ xa một cách đơn sơ là thông qua các bài giảng được gửi qua email. Trên phạm vi hẹp hơn, khả năng tiếp cận với Internet của mỗi gia đình cũng khác nhau nên những đứa trẻ ít có điều kiện sẽ bị tụt lại khi các lớp học được chuyển dần lên môi trường online để tránh dịch.

Trong điều kiện giáo dục bình thường, khoảng cách về điều kiện công nghệ có thể chưa gây ra quá nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, hố sâu ngăn cách này sẽ trở nên đặc biệt rõ ràng trên cả quy mô giữa các quốc gia hay giữa các gia đình khi hệ thống giáo dục được định hình lại sau đại dịch với việc ứng dụng ngày càng nhiều những công nghệ mới.

Theo (WEF)