Chuẩn
đầu ra của chương trình đào tạo giáo viên
Đào tạo giáo viên là để chuẩn
bị cho giáo viên thực hiện hoạt động giáo dục ở trường phổ thông. Vì thế, những
yêu cầu cần đạt đối với sinh viên tốt nghiệp (hay chuẩn đầu ra) của hệ đào
tạo đại học sư phạm, trước hết, cần căn cứ trên chuẩn nghề nghiệp giáo viên
trung học phổ thông và xu thế phát triển của giáo dục phổ thông trong mối quan
hệ với bối cảnh xã hội.
Khi phát triển chương trình
chi tiết cho các chuyên ngành, các học phần và hoạt động đào tạo, phải quán
triệt tiếp cận năng lực bằng cách diễn đạt các hành vi nghề nghiệp mong đợi
bằng các hoạt động mà sản phẩm của hoạt động đó vừa dễ quan sát, nhận biết,
đánh giá được, vừa là những minh chứng về sự chuyển biến ở người học.
Chuẩn
đầu ra về phẩm chất/giá trị nghề nghiệp có thể bao gồm:
- Những
phẩm chất/giá trị hướng vào học sinh: Thừa nhận, tôn trọng, yêu thương,
công bằng, khoan dung với HS; Tin tưởng tất cả mọi HS đều có thể học được; Cam
kết nuôi dưỡng và phát triển tiềm năng của từng học sinh; Coi trọng sự đa dạng
của học sinh.
- Những
phẩm chất/giá trị mang bản sắc người giáo viên: Trung thực, lạc quan,
cởi mở, ham học hỏi; Kiên trì, kiên nhẫn, sáng tạo, thân thiện; Gương mẫu, sống
lành mạnh, chuẩn mực.
- Những
phẩm chất/giá trị phục vụ nghề nghiệp: Yêu nghề; tự hào và say mê với
nghề giáo; Trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp; Cam kết đảm bảo chất lượng giáo
dục.
Chuẩn đầu ra về năng lực nghề
nghiệp có thể bao gồm:
- Nhóm
năng lực nền tảng: Năng lực giao tiếp và hợp tác; Năng lực công nghệ thông
tin; Năng lực ngoại ngữ; Năng lực thích ứng với sự thay đổi; Năng lực nghiên
cứu khoa học;
- Nhóm
năng lực chuyên ngành: Tùy vào đặc trưng của từng chuyên ngành mà xác định
hệ thống năng lực chuyên ngành riêng. Năng lực thành tố chung trong năng lực
chuyên ngành của tất cả các chuyên ngành là năng
lực chuyển vị sư phạm. Đó là năng lực chuyển đổi những tri thức bác
học (tri thức được cộng đồng các nhà bác học thừa nhận) thành tri thức cần dạy
(thể hiện trong chương trình) và tiếp đó, chuyển đổi từ tri thức cần dạy thành
tri thức được dạy trên lớp học.
- Nhóm
năng lực nghiệp vụ sư phạm: Năng lực định hướng sự phát triển học sinh;
Năng lực dạy học; Năng lực giáo dục; Năng lực công tác xã hội; Năng lực học tập
và phát triển nghề nghiệp.
TS. Trần Bá Trình
Phát
triển nội dung đào tạo đại cương
Tri thức đại cương phải bao
gồm những nội dung trang bị cho giáo viên nền tri thức rộng, có tính đại cương
về xã hội, nhân văn, về con người, môi trường tự nhiên. Tầm quan trọng của lĩnh
vực tri thức này là ở triết lý "giáo viên là một học giả - nhà giáo
dục". Nhóm nội dung này hướng vào đào tạo nền tảng văn hóa cho giáo
viên.
Cần nhấn mạnh rằng, hình thành
nền tảng, năng lực văn hóa là rất quan trọng, nhưng từ trước đến nay chưa được
quan tâm đúng mức trong đào tạo ở trường sư phạm. Mặt khác, cũng cần thấy rằng:
hình thành năng lực này có khi còn khó khăn hơn đào tạo để giáo viên có vốn tri
thức khoa học chuyên ngành.
Năng lực văn hóa được hình
thành trên cơ sở đào tạo nền tảng văn hóa - xã hội cho giáo viên; học và trải
nghiệm các giá trị của địa phương, quốc gia và quốc tế; rèn luyện kỹ năng sống,
kỹ năng hoạt động nhóm và hợp tác với người khác…
Năng lực giao tiếp cũng là một
phẩm chất văn hóa của con người nói chung. Đặc biệt, đối với giáo viên thì
không chỉ là một phẩm chất của văn hóa, mà cùng với giá trị văn hóa còn là một
năng lực nghề nghiệp cốt lõi.
Phát
triển nội dung đào tạo chuyên môn - chuyên ngành
Tri thức chuyên môn tạo nên
năng lực chuyên môn. Xác định nội dung đào tạo năng lực này là trả lời câu hỏi:
"Nhà trường cần dạy cho học sinh cái gì?" hay "Giáo viên dạy cái
gì?". Tri thức chuyên môn đề cập đến nội dung dạy và học của giáo viên và
học sinh.
Năng lực chuyên môn là yếu tố
chính của năng lực giáo viên, gồm kiến thức khoa học chuyên ngành (như toán
học, ngữ văn, vật lý, hóa học, lịch sử,…). Năng lực chuyên môn không chỉ là vốn
kiến thức môn học, mà còn là năng lực nghiên cứu (khả năng vận dụng phương
pháp, kỹ thuật, kĩ năng nghiên cứu những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học chuyên
ngành), trong đó có nghiên cứu về giáo dục môn học.
Năng lực nghiên cứu bảo đảm cho
giáo viên nâng cao chuyên môn, phát triển nghề nghiệp và giúp giáo viên có kỹ
năng nghiên cứu để dạy học sinh nghiên cứu trong các phương pháp dạy học tìm
tòi, khám phá, dạy học theo dự án.
Qua tìm hiểu thực trạng phát
triển chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo giáo viên, thực tiễn dạy học các
môn học chuyên ngành của giảng viên ở Trường ĐHSP Hà Nội, nhận thấy quan niệm
đơn giản về năng lực chuyên môn của giảng viên sư phạm và của giáo viên phổ
thông. Tri thức chuyên môn có tính sư phạm thực chất là tri thức của giáo viên
về môn học khoa học chuyên ngành và tri thức về môn học được dạy ở nhà trường
phổ thông. Loại tri thức sau có tác giả gọi là "kiến thức môn học trường
học".
Kiến thức môn học trường học
(Gardner, 1991) là kết quả của chuyển vị sư phạm để chuyển đổi vốn kiến thức
khoa học chuyên ngành của giáo viên mà thành. Như vậy, cơ sở kiến thức chuyên
môn mà giáo viên dạy và học sinh học là giao thoa giữa nội dung kiến thức khoa
học chuyên ngành và kiến thức khoa học giáo dục, trong đó có Lí luận và phương
pháp dạy học môn học đó.
Kiến thức môn học của một giáo
viên được gia công sư phạm trên nền tảng kiến thức môn học khoa học chuyên
ngành, tri thức khoa học giáo dục, tâm lý học, giáo dục học, lý luận dạy học và
trải nghiệm tích cực của người dạy. Đặc điểm đó cho thấy: nếu chỉ dạy sinh viên
có vốn tri thức khoa học chuyên ngành thì họ khó khăn trở thành nhà giáo dục
chuyên nghiệp.
Đích hướng tới của nhà trường
sư phạm là dạy sinh viên kiến thức khoa học chuyên ngành để họ có kiến thức
chuyên môn có tính sư phạm và có năng lực chuyển vị sư phạm.
Đó là năng lực sử dụng kiến
thức khoa học cơ bản để soi sáng kiến thức phổ thông; qua đó, SV tốt nghiệp
có cái nhìn thống nhất, toàn diện, sâu sắc và linh hoạt về chương trình cũng
như kiến thức môn học phổ thông mà họ đảm nhận. Theo định hướng này, vai trò
của các môn khoa học cơ bản trong đào tạo giáo viên là: ngoài việc cung cấp các
kiến thức cơ bản và chuyên sâu một cách hệ thống, còn có tiềm năng lo lớn trong
việc rèn cho sinh viên các năng lực nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực chuyển vị
sư phạm. Điều này làm cho việc học các học phần khoa học cơ bản ở Đại học sư
phạm khác biệt với việc học cũng các loại học phần này ở các trường ĐH Khoa học
Tự nhiên, ĐH KHXH&NV, ĐH Công nghệ, ĐH Bách Khoa,…
Phát
triển nội dung đào tạo nghiệp vụ sư phạm
Tri thức NVSP được tích hợp
trong tất cả các lĩnh vực nội dung, đặc biệt trong nội dung các môn khoa học cơ
bản (lĩnh vực môn học sẽ dạy ở phổ thông) và tất cả các hoạt động diễn ra trong
môi trường sư phạm của cơ sở đào tạo.
Tuy nhiên, ở mức tách biệt
tương đối, tri thức NVSP bao gồm các lĩnh vực nội dung về Tâm lý giáo dục,
Giáo dục học, Lý luận và phương pháp dạy học môn học, ví dụ: Tri thức về
người học; Tri thức về bối cảnh giáo dục, dạy học; Tri thức về tổ chức quá
trình dạy học, giáo dục; Tri thức về phát triển chương trình dạy học, giáo dục;
Tri thức đánh giá kết quả của giáo dục, dạy học; Tri thức về phát triển nghề
nghiệp; và Tri thức tư vấn, tham vấn học đường.
Về cơ bản, nội dung tri thức
các môn học/học phần thuộc lĩnh vực này là cơ sở để người giáo viên gia công sư
phạm quá trình dạy học các môn học và quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục
đạt mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông.
Và như vậy, một lần nữa
khẳng định, tất yếu quá trình hành nghề của người giáo viên cũng như quá
trình đào tạo NVSP không thể tách rời kiến thức các môn khoa học cơ bản và các
hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.
TS
Trần Bá Trình
Giám đốc Trung tâm NC&PT nghiệp vụ sư phạm
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội