Ban hành các chuẩn và đẩy mạnh bồi dưỡng giáo viên
Thời gian tới, một loạt các công việc liên quan đến đội ngũ sẽ được Bộ GD&ĐT đẩy mạnh như ban hành chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý, gồm: Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, tiêu chuẩn lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán, khung năng lực giáo viên phổ thông các môn học đặc thù; chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm; tiêu chuẩn giảng viên sư phạm cốt cán.
Cùng với đó, ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước theo các chuẩn đã ban hành; xây dựng, triển khai hệ thống bồi dưỡng giáo viên qua mạng; phối hợp với địa phương tổ chức bồi dưỡng giáo viên bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Việc kiểm định chất lượng với các trường sư phạm và các chương trình đào tạo giáo viên; tổ chức biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng sẽ được đẩy mạnh.
Cùng với xây dựng, ban hành quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, Bộ GD&ĐT đồng thời thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật.
Hoàn thiện chính sách tạo động lực cho giáo viên, giáo sinh
Một trong những nội dung đáng chú ý là Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên (trong đó có giảng viên trường sư phạm).
Tổ chức rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách tạo động lực cho giáo viên và giáo sinh như quy định gắn kết hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên sư phạm; chọn lọc và đào tạo những sinh viên sư phạm giỏi, yêu nghề nhằm bổ sung cho đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông; quy chế thực hành nghiệp vụ sư phạm, quy chế thực tập của sinh viên sư phạm; hỗ trợ sinh viên sư phạm trong thời gian học và sau khi ra trường; tuyển dụng, sử dụng, lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên...
Các địa phương quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII, chủ động cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của Bộ GD&ĐT trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên; tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, xác định số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học;
Thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp làm căn cứ bồi dưỡng, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn và các cơ sở đào tạo giáo viên khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý trong thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới,
Hiện nay, các tác giả chương trình môn học đang tiến hành chỉnh sửa dự thảo chương trình môn học trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân. Chương trình môn học đã tổ chức thực nghiệm tại 48 trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố, đại diện 6 vùng KT-XH trên cả nước.
Thời gian tới, cùng với chuẩn bị đội ngũ, toàn ngành tiếp tục tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh nhằm tăng cường hiểu biết về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và điều kiện thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Nguồn: Báo GD&TĐ