Đó là chia sẻ của PGS.TS Hà Văn Minh, Phó Trưởng Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội.

Cân đối việc bồi dưỡng tri thức chuyên môn và năng lực sư phạm

Thưa ông, để các sinh viên ra trường đảm nhiệm tốt vai trò giáo viên, Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội đã cân đối như thế nào giữa trang bị năng lực sư phạm và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn?

- Những năm gần đây, ngành GD-ĐT đã chú trọng tới vấn đề đổi mới chương trình giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học. Vì vậy, người giáo viên tại trường phổ thông cũng phải được đào tạo kỹ càng, bài bản về vấn đề phát triển năng lực. Tại Trường ĐHSP Hà Nội, kiểm tra, rà soát 2 năm một lần và bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo nghề và bồi dưỡng phẩm chất nghề nghiệp.


PGS.TS. Hà Văn Minh, Phó Trưởng Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội

Việc tăng cường dạy nghề, bồi dưỡng phẩm chất nghề nghiệp là trách nhiệm không phải chỉ riêng với các môn học về phương pháp, mà là trách nhiệm chung của cả các môn chuyên ngành. Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội vừa chú trọng trang bị cho SV kiến thức chuyên môn đầy đủ, cần thiết, phục vụ cho việc giảng dạy môn Ngữ văn ở trường phổ thông; Đồng thời chương trình đào tạo của khoa cũng tập trung vào việc rèn luyện về nghiệp vụ, đào tạo nghề cho sinh viên.

Như vậy đối với việc đào tạo nghề, trang bị năng lực sư phạm của cho sinh viên, khoa chú trọng trên cả 2 phương diện: Thứ nhất là năng lực thực tế về chuyên môn. Tất cả các sinh viên của khoa đều được bồi dưỡng theo chuẩn kiến thức chung với cách tiếp cận cập nhật, hiện đại. Thứ hai là đào tạo kỹ năng nghề thông qua các học phần về phương pháp, về tâm lí học, giáo dục học và các hoạt động bổ trợ liên quan đến rèn luyện nghiệp vụ sư phạm (bao gồm việc trang bị các kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, viết bảng, tổ chức hoạt động nhóm…).

Vậy ngoài những giờ học trên lớp, sinh viên Khoa Ngữ văn còn được tổ chức những hoạt động nào để nâng cao năng lực sư phạm?

- Để trau dồi năng lực nghiệp vụ cho các sinh viên, ngoài những đợt thực tập theo quy định, khoa thường xuyên tổ chức cho sinh viên tham gia nhiều đợt tiếp xúc với HS tại trường phổ thông, tổ chức thực nghiệm thực tế giáo dục theo định kỳ. Những hoạt động thiết thực tại trường phổ thông đã giúp sinh viên của khoa được đào tạo nghề một cách thực tế.

Song song với đó, những hội thi nghiệp vụ sư phạm theo từng cấp, từ khoa đến trường đã giúp sinh viên được học tập và cọ xát năng lực sư phạm nhiều hơn. Các hội thi không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm tài năng sư phạm, mà còn trở thành dịp để sinh viên được rèn luyện và phát triển các kĩ năng nghề nghiệp. Đây cũng chính là một tiêu chuẩn, tiêu chí, đánh giá, xếp loại SV khi ra trường. Nhờ vậy sinh viên có ý thức rèn luyện về nghề của mình hơn.

Thực tế cho thấy, khi tham gia những hoạt động nghiệp vụ này, sinh viên đã trưởng thành và vững vàng hơn không chỉ về năng lực sư phạm mà còn được giáo dục để có ý thức rõ ràng về nghề và tình yêu nghề của mình. Từ đó, những phẩm chất, năng lực, tố chất của các em được phát huy. Qua các trải nghiệm thực tế, sinh viên được cùng chia sẻ những tình huống sư phạm, giúp các em tiếp cận sớm và gần hơn với thực tế giáo dục tại nhà trường phổ thông. Song song với các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, Khoa Ngữ văn còn thường xuyên tổ chức các CLB Nghệ thuật, CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học… Những CLB này là nơi ươm mầm và nuôi dưỡng khát vọng nghề nghiệp của sinh viên.

Tăng cường các hoạt động dự giờ, đổi mới phương pháp

Để đáp ứng việc giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới với các hoạt động trải nghiệm, tích hợp, tích hợp liên môn, chú trọng tới phát huy năng lực… Khoa đã có những định hướng như thế nào?

- Điều thuận lợi trong đổi mới công tác giảng dạy ở đại học là, Khoa Ngữ văn có đội ngũ cán bộ giảng viên giàu kinh nghiệm, tham gia vào nhiều vị trí chủ chốt trong công tác biên soạn, thẩm định chương trình và viết sách giáo khoa mới.

Ước tính khoa chúng tôi có tới hơn 40 tác giả tham gia biên soạn các bộ sách giáo khoa mới. Hơn nữa, từ trước đến nay, hoạt động giảng dạy – nghiên cứu tại Khoa Ngữ văn cũng đã tập trung theo hướng tích hợp, liên môn. Giảng viên tại trường sư phạm có đặc thù khác với các cơ sở đào tạo khác đó là, người giảng viên, thông qua mỗi giờ giảng, rất chú trọng tới vấn đề thị phạm nghề trên lớp. Đào tạo nghề thông qua việc "trình hiện" nghề của chính mình, qua đó sinh viên được quan sát, học tập từ chính thầy cô của mình.

Việc đáp ứng xu hướng dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học đang được khoa quan tâm và đặt ra mục tiêu cụ thể trong quá trình đào tạo. Với chương trình giảng dạy liên tục được cập nhật, nhiều học phần mới mang tính chất liên môn sẽ được thiết lập. Ví dụ như sẽ có sự tích hợp sâu hơn với các bộ môn lịch sử, văn hóa, địa lý, môi trường, đạo đức…

Những kiến thức này đảm bảo vừa có sự tích hợp liên môn và xuyên môn để người học có được năng lực toàn diện hơn. Trong hai năm gần đây, Khoa Ngữ văn đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và tọa đàm có sự góp mặt của các tác giả là tổng chủ biên và chủ biên chương trình – sách giáo khoa môn Ngữ văn. Chính từ tinh thần đổi mới tại những cuộc hội thảo, tọa đàm này là cơ sở để ban lãnh đạo khoa nắm bắt được tinh thần để chuyển động và truyền nhập ngay tức thì vào quá trình đào tạo hiện tại.

Theo Hồng Vân (GD&ĐT)