Muốn đạt được mục tiêu này, việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV&CBQLCSGDPT) cần dựa trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) để phù hợp với xu hướng hiện đại hoá ngày nay.
Việc nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên và liên tục cho đội ngũ GV&CBQLCSGDPT sẽ góp phần không nhỏ xây dựng nên một nền giáo dục phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của học sinh.
Trong quá trình cải cách ấy, CNTT là công cụ vô cùng đắc lực giúp đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục; xoá bỏ những rào cản về mặt thời gian và không gian cũng như giúp nền giáo dục nước nhà có cơ hội trao đổi, tiếp cận và tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên gia và bạn bè khắp thế giới. Mặc dù hiện nay, CNTT đã và đang được tích cực ứng dụng trong quá trình dạy và học tại các cơ sở giáo dục trên cả nước song trên thực tế, điều này còn khá hạn chế ở những trường không chuyên về CNTT.
Trong khi đó, nếu muốn đội ngũ GV&CBQLCSGDPT được bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ bằng nguồn tài liệu học mở trên nền tảng CNTT thì vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao để mang chương trình bồi dưỡng đến với từng giáo viên, từng cán bộ quản lý. Để giải quyết bài toán này, Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đầu tư từ năm 2016.
Chương trình ETEP được kỳ vọng sẽ góp phần chuyển một nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang một nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh. Mục tiêu cốt lõi mà chương trình hướng đến là bồi dưỡng, phát triển một thế hệ nhà giáo mới, năng động, sáng tạo, biết chia sẻ kiến thức cho đồng nghiệp, liên tục phát triển chuyên môn nghề nghiệp, vì sự phát triển, hạnh phúc của học sinh.
Về nội dung, Chương trình ETEP tập trung phát triển chương trình đào tạo GV&CBQLCSGDPT; xây dựng khoảng 50 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm và 1 chương trình đào tạo thạc sĩ tiên tiến về quản trị trường phổ thông; rà soát và đề xuất chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV&CBQLCSGDPT, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
Để khắc phục những hạn chế trong việc đào tạo đội ngũ GV&CBQLCSGDPT, Chương trình ETEP sẽ triển khai các lớp tập huấn, đào tạo dưới hình thức từ xa, qua mạng cho các giáo viên phổ thông trên khắp cả nước. Cụ thể, khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán sẽ được tập huấn, bồi dưỡng 54 module (với 9 module cho mỗi cấp học, mỗi năm 3 module liên tục trong 3 năm) để làm mẫu trước.
Đội ngũ GV&CBQLCSGDPT cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm chủ chốt sau đó sẽ trực tiếp hỗ trợ việc tự bồi dưỡng cho khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 CBQLCSGDPT qua mạng, qua hệ thống LMS-TEMIS, hệ thống quản lý và bồi dưỡng qua mạng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông.
TS. Vũ Chí Cường (Giám đốc Trung tâm CNTT Trường Đại học Vinh) cho rằng, từ nguồn học liệu mở, Chương trình ETEP sẽ tạo cơ hội để các giảng viên ứng dụng được nhiều mô hình, phần mềm giảng dạy tiến bộ từ các ứng dụng CNTT.
Tuy nhiên, ông Cường cũng nhấn mạnh để triển khai Chương trình ETEP, các giảng viên sư phạm cần được tham gia nhiều buổi tập huấn hơn nữa nhằm tiếp cận và áp dụng các tiến bộ CNTT vào công tác giảng dạy. Đồng thời, ông cho rằng phía nhà trường cũng cần có thời gian để hoàn thiện các điều kiện cơ sở vật chất, đáp ứng tốt nhất cho đổi mới giáo dục nói chung, cho việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy, học tập nói riêng.
Theo Tiền phong