Hoạt động này đã và đang được triển khai tích cực với mục tiêu tối thượng là vì hạnh phúc, sự phát triển của HS. Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở GD (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi về nội dung này.
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục NG&CBQLGD
Vai trò công tác bồi dưỡng hết sức quan trọng
Hoạt động bồi dưỡng GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) có vai trò như thế nào trong triển khai Chương trình giáo GDPT mới, thưa ông?
- Chương trình GDPT mới khẳng định mục tiêu: "Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GDPT; Kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; Góp phần chuyển nền GD nặng về truyền thụ kiến thức sang nền GD phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi HS". Đây cũng là một phần hệ quả của quá trình toàn cầu hóa bao gồm thông tin toàn cầu với ưu tiên dành cho tìm kiếm các cơ hội phát triển, tiếng Anh, CNTT và kỹ năng sẵn sàng cho GD 4.0.
Nghị quyết số 29-NQ/TW xác định đội ngũ GV, CBQL GD là khâu then chốt. Mục tiêu GD theo tinh thần đổi mới là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của người học. Muốn thực hiện mục tiêu đó, đòi hỏi mỗi GV phải đổi mớiphương pháp dạy học (PPDH) nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của HS, đổi mới kiểm tra đánh giá theo năng lực người học... Do đó, mỗi GV phải là người tiên phong trong tiến trình đổi mới.
Đội ngũ GV hiện tại hầu hết được đào tạo theo phương pháp cũ, nặng về truyền thụ kiến thức. Nay, định hướng đổi mới GD nhằm phát triển phẩm chất, năng lựcHS đòi hỏi GV phải thay đổi mới có thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn GD. Như vậy, vai trò của công tác bồi dưỡng GV hết sức quan trọng.
Thứ nhất, phải bồi dưỡng GV về PPDH. Nếu trước kia PPDH của GV nặng về truyền thụ kiến thức, chủ yếu "đọc – chép", thì nay, GV phải hướng dẫn HS về phương pháp học nhiều hơn. HS phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kĩ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu GD, trong quá trình đó sẽ rèn luyện năng lực sáng tạo. Thay đổi đào tạo trang bị kiến thức sang trọng tâm đào tạo năng lực sư phạm; trong đó chú ý các năng lực chẩn đoán, thiết kế, tổ chức, thực hiện và giám sát đánh giá, giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học, GD. Dạy thế nào để HS có thể phát triển phẩm chất, năng lực thì mới đạt được yêu cầu. Đó là cả một quá trình rèn luyện, không thể một sớm một chiều.
Thứ hai, trong Chương trình GDPT mới xuất hiện một số môn học mới; GV được đào tạo từ dạy một môn sang dạy môn học tích hợp, liên môn. GV phải được bồi dưỡng, đào tạo lại để có đủ kiến thức chuyên môn, phương pháp để thực hiện giảng dạy theo môn học mới.
Thứ ba, bồi dưỡng các năng lực cốt lõi theo yêu cầu đổi mới GDPT, như: Xây dựng kế hoạch nhà trường định hướng phát triển năng lực người học; kiểm tra đánh giá theo năng lực; tổ chức các hoạt động trải nghiệm...
Thứ tư, cần bồi dưỡng cho đội ngũ GV ý thức trách nhiệm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, để phát triển hài hòa giữa đạo đức, năng lực nghề nghiệp.
Giải pháp căn bản nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên
Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và CBQL cơ sở GDPT (ETEP) của Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện phương thức bồi dưỡng mới, bồi dưỡng qua mạng, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại chỗ bằng nguồn học liệu mở trên nền tảng CNTT. Ông đánh giá như thế nào về phương thức bồi dưỡng này?
- Thông tư số 26 của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên GV cũng đặt ra hình thức bồi dưỡng là hình thức học tập từ xa (qua mạng Internet) bên cạnh 2 hình thức khác là bồi dưỡng bằng tự học của GV kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ bộ môn của nhà trường, liên trường hoặc cụm trường và bồi dưỡng tập trung. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng CNTT còn hạn chế nên hình thức bồi dưỡng từ xa chưa được khai thác triệt để. GV chủ yếu được bồi dưỡng tập trung theo mô hình bậc thang. Chính vì thế, quá trình bồi dưỡng qua nhiều tầng nấc, dẫn đến chất lượng kém hiệu quả.
Hiện nay, Chương trình ETEP đang phối hợp với Cục CNTT và Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục xây dựng phần mềm bồi dưỡng đội ngũ GV (TEMIS-LMS) để hỗ trợ công tác bồi dưỡng GV, đặc biệt là phục vụ thực hiện Chương trình GDPT mới, sách giáo khoa GDPT. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những giải pháp căn bản, góp phần nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng.
Việc bồi dưỡng này có thể được thực hiện theo hình thức trực tuyến, báo cáo viên và người học có thể trao đổi, tương tác trực tuyến thông qua hỗ trợ của CNTT. Đồng thời, có thể được thực hiện thông qua việc báo cáo viên đưa tài liệu lên Internet, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi và trao đổi với báo cáo viên qua mạng trong thời gian nhất định.
Trong thời gian tới, công tác bồi dưỡng GV, CBQL cơ sở GD sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào, có những điểm mới nào đáng chú ý, thưa ông?
- Để đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng thực hiện chương trình, SGK trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT đã định hướng:
Một, việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được làm rất chi tiết, cụ thể theo lộ trình đổi mới chương trình phổ thông. Trong đó, phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, các dự án, vụ/cục, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng và địa phương, để từ đó các đơn vị cụ thể hóa thành kế hoạch chi tiết, triển khai đồng bộ. Việc bồi dưỡng sẽ theo hình thức cuốn chiếu: Bồi dưỡng cốt cán ở Trung ương, bồi dưỡng đại trà ở địa phương (có sự hỗ trợ của cốt cán).
"Nếu vận dụng triệt để vai trò CNTT trong công tác bồi dưỡng, tôi nghĩ sẽ tiết kiệm được nguồn lực kinh tế, nguồn lực con người và thời gian; đồng thời sẽ đem lại hiệu quả cao, thiết thực, nâng cao chất lượng bồi dưỡng". - Ông Hoàng Đức Minh.
Hai, tập trung xây dựng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV theo chuẩn nghề nghiệp GV (mới) đã được ban hành. Trên cơ sở đó, triển khai công tác bồi dưỡng GV theo quy định nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ, từng bước đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu GD trong giai đoạn mới.
Trong quá trình đó, các địa phương lựa chọn đội ngũ GV cốt cán làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng; Tiến hành bồi dưỡng GV cốt cán ở cấp Trung ương để đội ngũ này tiếp tục tham gia bồi dưỡng, hỗ trợ công tác bồi dưỡng GV đại trà tại địa phương thông qua hệ thống CNTT.
Ba, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác bồi dưỡng. Hiện, Bộ GD&ĐT đang sửa đổi Thông tư số 26 về quy chế bồi dưỡng GV, trong đó dự kiến đưa ra 3 hình thức bồi dưỡng: Bồi dưỡng trực tiếp; bồi dưỡng qua mạng; bồi dưỡng kết hợp trực tiếp và qua mạng. Trong đó, chủ yếu vận dụng phương thức tự học, tự học có hướng dẫn. Các lớp bồi dưỡng tập trung (nếu có) chủ yếu để báo cáo viên hướng dẫn thêm những nội dung mới hoặc khó, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn tự học, rèn luyện năng lực nghề nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)