Tham khảo kinh nghiệm quốc tế

Coi cho vay tín dụng sư phạm là phương án cải tiến nhưng GS.TS. Nguyễn Văn Minh cho rằng, cần cân nhắc trong hệ thống tổng thể. Trước đây, chúng ta thực hiện miễn học phí cho SV sư phạm nhưng chính sách này đã không phát huy hiệu quả. 

Khi vay tín dụng, người học sẽ phải tính toán kỹ. Chẳng hạn, một người học giỏi khối A, họ sẽ chọn ngành nghề nào đó để ra trường có thể phát triển nghề nghiệp và có thu nhập cao. Họ sẽ không vào sư phạm để ra trường nhận 2 - 3 triệu đồng/tháng, chưa kể phải vất vả đi xin việc. Đây là vấn đề chúng ta cần nghiên cứu thấu đáo. 

"Ở Singapore, người ta chỉ chọn 30% số HS giỏi đăng ký vào sư phạm. Khi vào học họ sẽ được nhận học bổng. Vì thế chúng ta có thể tham khảo chính sách này và cần quan tâm đến học bổng cho SV sư phạm" - GS.TS. Nguyễn Văn Minh nêu vấn đề.

Liên quan đến dự thảo quy định nâng chuẩn GV mầm non lên trình độ cao đẳng; GS.TS. Nguyễn Văn Minh cho rằng, trong điều kiện của đất nước hiện nay thì cần có lộ trình. Tuy nhiên nếu nhìn xa, chúng ta sẽ nghĩ khác. "Khi tôi sang làm việc ở Phần Lan thì thấy rằng, họ coi trọng cấp đầu đời nhất, muốn dạy mầm non và tiểu học thì phải tốt nghiệp thạc sỹ. Họ xác định GD đầu đời là cực kỳ quan trọng, bởi giúp HS hình thành nhân cách ngay từ cấp học này. Vì thế nên chăng chúng ta có cách tiếp cận với nền GD của Phần Lan và một số nước trên thế giới" - GS.TS. Nguyễn Văn Minh góp ý.  

Nghiên cứu thấu đáo về vấn đề liên thông

Về nội dung phân luồng, liên thông, GS.TS. Nguyễn Văn Minh nêu ý kiến: Ở Đức, họ phân luồng rất rõ, những HS nào đủ điều kiện sẽ tiếp tục học lên ĐH, HS nào không đủ điều kiện học ĐH sẽ chuyển sang học nghề nghiệp. Ngoài ra, theo GS.TS. Nguyễn Văn Minh nên sửa lại câu từ trong dự thảo Luật cho phù hợp, với đại ý là: Dựa trên khung trình độ quốc gia 8 bậc, trong đó có sự phân bổ thời gian học văn hóa và học nghề cho hợp lý.

Trước một số ý kiến đề xuất, sau khi học xong THCS, HS có thể học liên thông lên CĐ nghề, GS.TS. Nguyễn Văn Minh cho rằng, nên nghiên cứu kỹ và nếu có áp dụng thì cần được thực hiện thí điểm. Bởi trong quá trình triển khai nếu không cẩn thận, dư luận có thể cho rằng, chúng ta đang "câu view" để thu hút HS; thứ nữa là chạy theo bằng cấp. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta nói rất nhiều về kinh tế tri thức; nếu chúng ta làm không thận trọng thì vô tình sẽ biến một thế hệ tương lai thành những người đi gia công. Vì thế cần rất thận trọng, nghiên cứu thấu đáo về vấn đề liên thông học xong THCS có thể vào học CĐ nghề.

Cũng theo GS.TS. Nguyễn Văn Minh, nhiều nước không hô hào về 4.0 nhưng trong đào tạo người ta đã chuẩn bị thiên hướng để HS, SV chuyển đổi nghề nghiệp. Do đó, chúng ta phải duy trì các trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp nói chung và có cảnh báo rằng, nghề nghiệp sẽ thay đổi như: Lao động công nhân các khu công nghiệp thì phải chuyển đổi, phải tìm ra hướng mở để đón đầu tương lai.

Theo Minh Phong (GD&TĐ)