Theo Hiệp hội, hiện tại với khoảng 100 đơn vị đào tạo sư phạm, quy mô tuyển sinh hằng năm cho các ngành đào tạo giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông là gần 50.000 sinh viên (ở cả trình độ ĐH và CĐ sư phạm). 

Trong nhiều năm qua, có tình trạng nhu cầu các giáo viên giảm trong khi số lượng giáo sinh ra trường lại không hề giảm, dẫn tới hậu quả số sinh viên sư phạm bị thất nghiệp khi ra trường tăng liên tục. 

Cùng với chủ trương "ĐH hóa" đội ngũ giáo viên phổ thông, đang có xu hướng tập trung giao nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên chỉ cho một số trường ĐH sư phạm trọng điểm. Dù đây là chủ trương đúng, nhưng cần bước đi thích hợp.

Hiệp hội bày tỏ lo lắng trước chiều hướng có những ý định vội vàng muốn giải thể hàng loạt trường sư phạm hiện nay. 

Điều này xuất phát từ thực tế hệ thống các trường sư phạm đã trải qua nhiều bước thăng trầm trước các biến động về nhu cầu giáo viên, lúc tăng đột biến về quy mô (dẫn đến việc ra đời ồ ạt nhiều trường sư phạm mới) nhưng cũng có lúc bão hòa, thậm chí sụt giảm như hiện nay. 

Câu chuyện này cũng tương tự với nhiều nước trên thế giới - đặc biệt ở các nước mà phần đông giáo viên phục vụ trong khu vực công theo chế độ viên chức - thường có sự biến động trong nhu cầu giáo viên theo nhu cầu lượn sóng. 

Song kinh nghiệm quốc tế vẫn hướng đến khuynh hướng phải duy trì sự tồn tại ổn định của các đơn vị, dù tồn tại độc lập hay nằm trong một cơ sở đào tạo ĐH đa lĩnh vực, chứ không xóa đi chức năng đào tạo giáo viên của các cơ sở này.

Do đó, trong khi chưa phê duyệt quy hoạch mạng lưới, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các bộ ngành, các tỉnh, thành phố liên quan - chưa sáp nhập các trường sư phạm với các đơn vị khác thuộc thẩm quyền.

Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Trước mắt cần giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm như hiện nay. Trong đó thực hiện phân tầng hệ thống này thành các trường ĐH sư phạm, ĐH giáo dục trọng điểm, các trường/khoa ĐH sư phạm địa phương, các trường/khoa CĐ sư phạm.

Nhà nước hỗ trợ thành lập trường thực hành chất lượng cao trong các trường sư phạm. Ngoài ra, việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên thực hiện chủ yếu theo địa chỉ, chứ không theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên về lâu dài, các cơ sở sư phạm cần từng bước chuyển thành trường giáo dục trong các ĐH đa lĩnh vực hoặc khoa sư phạm trong các trường ĐH địa phương, CĐ cộng đồng để có sự ổn định trong hoạt động và huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn cơ sở giáo dục ĐH trong đào tạo giáo viên khi xuất hiện nhu cầu lớn.

Bàn về vấn đề này, GS.TS. Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: "Sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm để phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục của cả nước và từng địa phương; giải quyết thực trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ của các địa phương: nâng cao chất lượng chất lượng đội ngũ giáo viên; đáp ứng tốt chương trình giáo dục phổ thông mới".

BQL Chương trình ETEP