Đây là một trong những mục tiêu được đề cập trong đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia "Quy hoạch mạng lưới trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030" do GS.TS. Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên làm chủ nhiệm đề tài.
Sắp xếp để tăng hiệu quả đầu tư và sử dụng ngân sách
Thưa GS, vì sao cần sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm và đâu là căn cứ của việc sắp xếp này?
GS.TS. Phạm Hồng Quang: Nghị quyết số 29/NQTW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định trong nhiệm vụ giải pháp: "Phát triển hệ thống trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; ưu tiên đầu tư xây dựng một số trường sư phạm, trường sư phạm kỹ thuật trọng điểm; khắc phục tình trạng phân tán trong hệ thống các cơ sở đào tạo nhà giáo".
Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã chỉ rõ: "Đối với giáo dục đại học: "Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục".
Quyết định số 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025 xác định: "Đổi mới và hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, các tiêu chuẩn giảng viên đại học theo chức danh và trình độ. Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm".
Vì vậy, để có một mạng lưới các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mạnh và hiệu quả, ngành giáo dục cần sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, đủ năng lực làm hạt nhân phát triển, dẫn dắt các trường sư phạm trong hệ thống.
Các trường sư phạm trọng điểm sẽ được ưu tiên đầu tư phát triển để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo hướng của một trường đại học tiên tiến, hiện đại, năng động và tự chủ cao, hội nhập hiệu quả với các đại học của khu vực, nâng tầm đạt đẳng cấp quốc tế.
Ngoài ra, sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm để phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục của cả nước và từng địa phương, giải quyết thực trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ của các địa phương, nâng cao chất lượng chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.
Từ đó, góp phần tăng cường hiệu quả đầu tư, phân bổ và sử dụng ngân sách đầu tư cho phát triển đội ngũ giảng viên sư phạm, hạn chế sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún của một số trường sư phạm và đặc biệt tăng cường hội nhập quốc tế trong đào tạo giáo viên.
Đến năm 2025 hình thành một số trường sư phạm chủ chốt
Mục tiêu và lộ trình cụ thể của việc sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm như thế nào, thưa GS?
GS.TS. Phạm Hồng Quang: Sau gần 2 năm nghiên cứu công phu, chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận khá cao về các vấn đề cốt lõi: quan điểm, mục tiêu, giải pháp, lộ trình... của việc sắp xếp hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên.
Theo đó, mục tiêu đề tài đưa ra, đến năm 2025 hình thành một mạng lưới các trường sư phạm gồm dưới 10 trường sư phạm chủ chốt. Đến năm 2030, hình thành một số trường sư phạm trọng điểm theo hướng hình thành mô hình đại học và tiếp tục phát triển các trường sư phạm chủ chốt.
Các cơ sở đào tạo giáo viên khác được thiết kế chuyển thành "vệ tinh" của các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt, trong đó giảm số lượng đầu mối trường sư phạm ở các trường không đạt chuẩn chất lượng để đảm bảo quy mô đào tạo của các cơ sở được xác định hợp lý, hiệu quả.
Mối quan hệ giữa trường trọng điểm và vệ tinh cần được coi là điểm nhấn của đề án sắp xếp các trường sư phạm để đạt mục tiêu chất lượng, hiệu quả và tránh lãnh phí.
Việc sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Giai đoạn 2019-2020, ban hành chi tiết đánh giá các tiêu chuẩn, tiêu chí phân mức chất lượng các trường sư phạm theo bộ chuẩn trường sư phạm; tiến hành đánh giá, rà soát các trường sư phạm để xác định các cơ sở không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu; công khai kết quả đánh giá, yêu cầu các cơ sở không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu lập kế hoạch phát triển để đạt ngưỡng chất lượng tối thiểu.
Giai đoạn 2021-2025, dừng tuyển sinh các trường sư phạm không đạt chuẩn chất lượng (theo bộ tiêu chuẩn đã đề xuất); tiến hành các phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể các cơ sở không đáp ứng chuẩn tối thiểu sau thời hạn cam kết; hình thành các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh của các trường sư phạm chủ chốt; giải thể các trường trung cấp sư phạm và dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm đối với các trường trung cấp còn lại.
Giai đoạn 2025-2030, hình thành các trường sư phạm trọng điểm, tiếp tục phát triển các trường sư phạm chủ chốt và các trường sư phạm vệ tinh; dừng phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm đối với các trường cao đẳng đa ngành khác có chương trình đào tạo giáo viên.
Cần tôn trọng quy luật cung - cầu về giáo viên trong tương lai
Quá trình sắp xếp có thể sẽ có cơ sở đào tạo không đồng thuận với việc sắp xếp, tổ chức lại. Vậy, việc sắp xếp, tổ chức lại này dựa trên những nguyên tắc nào?
GS.TS. Phạm Hồng Quang: Về nguyên tắc, việc sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm phải dựa trên bộ chuẩn trường sư phạm (5 tiêu chuẩn và 14 tiêu chí dựa vào chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ và tham khảo các chỉ số xếp hạng các trường đại học trên thế giới của tổ chức QS Stars); tạo điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và nâng cao hiệu quả của hệ thống giáo dục đại học nói chung, của các trường sư phạm nói riêng và phục vụ tốt hơn cho việc đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới.
Phải xem xét đến yếu tố địa chính trị, vùng kinh tế - xã hội trọng điểm tính đến và văn hóa vùng miền trong mối tương quan với các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt, giữa các trường sư phạm với hệ thống giáo dục đại học và tính kết nối giữa các trường trong hệ thống sư phạm.
Hiệu quả của quá trình sắp xếp về phương diện tài chính công sẽ giảm, nhưng tăng chất lượng và chi phí cho nhiệm vụ sắp xếp hệ thống tại thời điểm này là chi phí thấp nhất.
Đặc biệt, cần tính đến tính đến bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bối cảnh hội nhập quốc tế, xu hướng mới trên thế giới trong đào tạo giáo viên và sự thay đổi về mô hình nhân cách của người giáo viên tương lai.
Gắn chặt quá trình đào tạo sư phạm với yêu cầu sử dụng lực lượng giáo viên của xã hội, chú ý yếu tố "vùng thị trường", sức hút, độ lan tỏa của trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt.
Từ kết quả nghiên cứu khảo sát đến việc xây dựng đề án sắp xếp các trường sư phạm là một quá trình dài, thận trọng, cần có sự đóng góp trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà quản lí và ý kiến của đồng thuận của xã hội.
Những kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam gần đây cũng đã lưu ý 3 điểm quan trọng về dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, tăng dần chuẩn trình độ giáo viên và phân tầng phân cấp trong nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
PV: Từ nghiên cứu này, GS và nhóm nghiên cứu có khuyến cáo gì với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương có liên quan, các trường sư phạm để có thể triển khai đề tài trong thực tiễn?
GS.TS. Phạm Hồng Quang: Kết quả nghiên cứu này sẽ là một trong những căn cứ để Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm trình Chính phủ.
Quan điểm nghiên cứu cần tôn trọng quy luật cung - cầu về giáo viên trong tương lai, đồng thời quán triệt quan điểm kế thừa, lịch sử và hiệu quả, đề tài tiếp tục nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến đóng góp, các kinh nghiệm và luận cứ khoa học.
Bộ GD&ĐT đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nội dung sắp xếp lại các trường sư phạm cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển ngành sư phạm trên cơ sở các nghiên cứu tổng thể về nhu cầu đào tạo giáo viên trình độ đại học của cả nước, các vùng miền đặc thù, ngành nghề đặc thù và nhu cầu nhân lực phục vụ cho hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cần xây dựng, ban hành, hướng dẫn hoặc trình cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng để phát triển một số trường sư phạm trọng điểm đạt trình độ khu vực và thế giới.
Khuyến khích sáp nhập các viện nghiên cứu giáo dục, trường trung cấp, trường cao đẳng sư phạm, trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên hoặc khoa sư phạm của trường đại học đa ngành trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố.
Các trường sư phạm cần cung cấp các thông tin cần thiết cho hệ thống thông tin thu thập, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực giáo viên; chủ trì thực hiện các nghiên cứu dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên cho các địa phương và lĩnh vực giáo dục tư nhân.
Trường sư phạm cần đổi mới quản trị đại học trên tinh thần tự chủ và tự chịu trách nhiệm, đổi mới chương trình đào tạo, nâng chuẩn giảng viên (ví dụ nhiều trường CĐSP tỉ lệ tiến sĩ rất thấp, nghiên cứu khoa học ít).
Các trường cũng cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường tính liên thông trong đào tạo; đa dạng hóa mô hình và phương thức đào tạo,nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, tăng cường các điều kiện về bảo đảm chất lượng và thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục; từng bước nâng dần chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Theo Minh Thu (GD&TĐ)