Trong quá trình triển khai, ngành giáo dục cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, khu vực và cấp tỉnh. Qua đó, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nảy sinh, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong dạy học chương trình mới.

Tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn dạy học

Kết thúc năm học 2020 - 2021, học sinh lớp 1 trường Tiểu học Châu Hội 1 (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đều hoàn thành nhiệm vụ học tập, rèn luyện. Đây là thành quả không dễ dàng với ngôi trường có hơn 90% học sinh DTTS và là năm đầu tiên thực hiện thay SGK lớp 1.

Cô Lê Thị Huyền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, thời gian đầu, học sinh tiếp thu chậm, nhất là với môn tiếng Việt. Tuy nhiên, điều này không lạ, bởi kỹ năng tiếng Việt của trẻ DTTS, nhất là các em mới qua tuổi mầm non còn rất hạn chế. Để phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh, chúng tôi tổ chức dạy học theo hình thức cuốn chiếu "dạy âm nào chắc âm đó". Đối với những bài đọc dài, có nhiều âm, vần mới, nhà trường sẽ ưu tiên thêm tiết Tiếng Việt vào buổi chiều, để giúp học sinh kịp tiếp nhận.


Dạy học SGK lớp 1 tại Trường Tiểu học Châu Hội 1, huyện Quỳ Châu, Nghệ An

"Từ học kỳ II, khi làm quen với môi trường mới, các em bắt nhịp nhanh hơn. Vừa qua, việc kiểm tra định kỳ được đẩy nhanh và kết thúc năm học sớm để phòng dịch, nhưng kết quả cuối năm, các em lớp 1 đã đạt chuẩn kiến thức kỹ năng theo yêu cầu", cô Lê Thị Huyền phấn khởi nói.

Linh hoạt trong dạy học lớp 1 cũng là chỉ đạo chung của Phòng GD&ĐT Quỳ Châu (Nghệ An). Theo bà Nguyễn Thị Bình - Phó trưởng phòng, hiện nay, khung chương trình GDPT mới là pháp lệnh, còn SGK là tài liệu dạy học. Vì vậy, Phòng chỉ đạo các trường học chủ động chương trình nhà trường trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng cho học sinh.

Đối với trường miền núi, học sinh DTTS bị hạn chế về tiếng Việt hơn so với học sinh miền xuôi. Trong các đợt sinh hoạt chuyên môn cấp huyện, chúng tôi cũng định hướng cho trường tiểu học giãn thời khóa biểu để học sinh kịp tiếp thu. Không nhất thiết phải dạy hết kiến thức trong các tiết buổi sáng mà có thể dạy sang buổi chiều.


Tiết tập đọc của học sinh Trường Tiểu học Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, Nghệ An

Tại huyện Đô Lương (Nghệ An) thực hiện Chương trình GDPT 2018, giáo viên đã mạnh dạn tự chủ lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức dạy học có hiệu quả. Có được chủ động này là nhờ mỗi trường học đều lập cụm chuyên môn để chia sẻ phương pháp giáo dục, thường xuyên đổi mới, đa dạng hoá nội dung và hình thức sinh hoạt. Ngoài ra, huyện tổ chức hội thảo cấp cụm để tháo gỡ, chia sẻ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hải - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Đô Lương cho hay, Chương trình GDPT mới yêu cầu chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của người học. Nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học.

"Vì vậy, để đảm bảo được điều đó này, chúng tôi cũng yêu cầu giáo viên phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối "truyền thụ một chiều" sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất. Đồng thời, tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội", ông Nguyễn Văn Hải nói.

Phát huy hiệu quả hội thảo sinh hoạt chuyên môn

Năm học 2020 - 2021 vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ (Nghệ An) là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức dạy thể nghiệm 2 môn Toán - Tiếng Việt chương trình SGK lớp 1 với sự tham gia của 22 trường tiểu học trên địa bàn. Bên cạnh đó còn đội ngũ chuyên môn cốt cán của Phòng, Sở GD&ĐT dự giờ, nhận xét. Cô Hoàng Thị Huyền (Trường Tiểu học Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ) chia sẻ: "Bản thân tôi qua tiết dạy này cũng nhận được nhiều góp ý, chia sẻ kinh nghiệm xử lý tình huống sư phạm để khi về trường mình công tác sẽ có điều chỉnh trong dạy học phù hợp".


Dạy học thể nghiệm chương trình SGK lớp 1 tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An

Sau hoạt động dạy thể nghiệm, Phòng GD&ĐT Tân Kỳ tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên môn giữa giáo viên dạy học và đội ngũ cốt cán của ngành. Ông Hoàng Đình Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ cho biết, sinh hoạt chuyên môn cấp huyện có mục đích hỗ trợ các trường tiểu học triển khai có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa lớp 1. Đặc biệt là chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Trên cơ sở hoạt động chuyên môn của các huyện, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng tổ chức hội thảo cấp tỉnh về chương trình GDPT 2018. Qua đó, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy học, cách thức đánh giá học sinh cũng như quản trị nhà trường. Đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục thực hiện chương trình mới cho năm học tiếp theo.

Ông Phan Trọng Trung - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho hay: "Qua hội thảo, chúng tôi lắng nghe và học được nhiều cách làm hay, nhiều kinh nghiệm từ các địa phương khác. Con Cuông là huyện miền núi cao, cơ sở vật chất trường học chưa đồng bộ, điều kiện kinh tế xã hội của phụ huynh khó khăn, vất vả. Vì vậy, có những mô hình áp dụng được ở vùng đồng bằng, thành thị, nhưng không thể triển khai ở miền núi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chắt lọc những yếu tố phù hợp, tích cực như dạy học lấy người học làm trung tâm; phát triển kỹ năng cho trẻ; cách xây dựng chương trình nhà trường...".


Dạy học kết hợp kênh hình, kênh chữ tại Trường Tiểu học Lạng Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An

Ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá, dù là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018, nhưng việc dạy học SGK lớp 1 trên địa bàn cơ bản thuận. Giáo viên đã có sự chủ động trong xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng lấy người học là trung tâm. Từng bước thoát ly sự lệ thuộc vào SGK và sách giáo viên, thay vào đó lấy khung chương trình là pháp lệnh.

Có được sự chủ động này là nhờ công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ được thực hiện sớm và đầy đủ. Cụ thể, cử đội ngũ giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn được cử đi tập huấn về chương trình GDPT 2018 theo Chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT. Các hạt nhân cốt cán hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS). Sở GD&ĐT Nghệ An cũng tập huấn cho đội ngũ quản lý, toàn bộ giáo viên lớp 1 trước năm học 2020 - 2021 và hiện đang bồi dưỡng cho GV lớp 2, lớp 6.

Trong quá trình triển khai, ngành cũng tiếp thu những phản ánh, ý kiến từ cơ sở để kịp thời có hướng dẫn chỉ đạo. Đồng thời thông qua các cuộc hội thảo chuyên môn cấp cụm, cấp tỉnh để đánh giá, tổng kết và đưa ra phương hướng giải quyết những vướng mắc nảy sinh. Sự thành công của năm học 2020 - 2021 cũng là tiền đề để ngành tiếp tục triển khai chương trình SGK lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới.

Theo GD&TĐ