Về yêu cầu năng lực đầu ra với sinh viên nói chung, sinh viên sư phạm nói riêng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh các trường cần trang bị năng lực, thái độ và kĩ năng để sinh viên có thể học tập suốt đời. Đây là điều vô cùng quan trọng.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo do WB tổ chức
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Việt Nam mong muốn có thêm trường đại học đạt mức xếp hạng cao ở Châu Á và trên thế giới; mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Giáo dục đại học Việt Nam đã và đang học hỏi kinh nghiệm quốc tế, trên cơ sở tính đến hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước để áp dụng phù hợp, tạo ra kết quả tốt nhất trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp. Trong đó, Trường ĐH Giáo dục Hong Kong cũng là điển hình tốt để Việt Nam học hỏi.
Là một đại học trẻ, nhưng Trường ĐH Giáo dục Hong Kong có bước tiến ấn tượng về thứ tự xếp hạng trong lĩnh vực giáo dục ở Châu Á và trên thế giới. Từ xếp hạng ở mức 50 - 100 năm 2014, trường này đã vươn lên trí thứ 9 trên thế giới và số 2 Châu Á trong lĩnh vực đào tạo sư phạm theo bảng xếp hạng QS (QS World University Rankings).
GS. Stephen Cheung – Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Hong Kong
Lí giải vì sao để từ thứ hạng 50 vươn lên top 10, GS Stephen Cheung cho rằng, kết quả này là công sức, nỗ lực của đồng nghiệp trong xây dựng ấn bản, nâng cao danh tiếng của trường. Với vai trò lãnh đạo, điểm mấu chốt là tập hợp được các nỗ lực của tập thể thành mục tiêu chung, phải kết nối các thành viên để đi theo định hướng chung.
Để có được sản phẩm đầu ra chất lượng, một trong những cách làm của Trường ĐH Giáo dục Hong Kong là làm việc với trường phổ thông, gửi các phiếu khảo sát để xem các trường mong muốn tuyển được giáo viên như thế nào. Bảng khảo sát đưa ra 15 thuộc tính/đặc điểm của giáo viên để các hiệu trưởng chọn với những câu hỏi ngắn. Từ những phản hồi nhận được, trường đưa ra kế hoạch chiến lược đầu ra, với 3 yêu cầu nổi bật: xuất sắc về chuyên môn, phẩm chất đạo đức và năng lực đổi mới sáng tạo.
Từ thực tế đào tạo của trường, GS. Stephen Cheung cho rằng: Hiện nay năng lực cốt lõi của giáo viên không phải chỉ là kiến thức về môn học mà còn là các kĩ năng như giao tiếp, truyền đạt...; đặc biệt là năng lực học suốt đời.
Trước đây, học trò hầu như học mọi thứ từ giáo viên, sách vở. Nhưng thời đại internet, vai trò của giáo viên đã đổi khác. Bởi vậy, yêu cầu đối với đào tạo giáo viên tương lai là có năng lực để học hỏi kiến thức mới, có thể sử dụng công nghệ để giảng dạy... đây cũng là thách thức đối với các thầy cô hiện nay.
Nhấn mạnh, năng lực cốt lõi của giáo viên không phải chỉ là kiến thức về môn học mà các thuộc tính về cá nhân, kĩ năng như giao tiếp, kĩ năng truyền đạt... mới là quan trọng để phát triển năng lực trong tương lai, GS. Stephen Cheung đồng thời khẳng định: Chúng ta cần phải đào tạo một thế hệ sinh viên mới, bên cạnh phẩm chất cần có năng lực học tập suốt đời để có thể cập nhật kiến thức mới, phát triển chuyên môn liên tục trong suốt cuộc đời mình.
"Đừng loại bỏ sự tò mò, ham học hỏi của sinh viên, phải thúc đẩy niềm ham học của thế hệ mới trong tương lai, để các em sáng tạo hơn. Những khả năng này cần được nuôi dưỡng ngay từ đầu đời"- GS. Stephen Cheung cho hay.
Là một đại học trẻ, nhưng Trường ĐH Giáo dục Hong Kong có bước tiến ấn tượng về thứ tự xếp hạng trong lĩnh vực giáo dục ở Châu Á và trên thế giới. Từ xếp hạng ở mức 50 - 100 năm 2014, trường này đã vươn lên trí thứ 9 trên thế giới và số 2 Châu Á trong lĩnh vực đào tạo sư phạm theo bảng xếp hạng QS (QS World University Rankings).
Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)