Mỗi
người cần xác định sứ mệnh riêng của mình. Sứ mệnh chính là việc tạo ra giá trị
cho người khác trong một hệ sinh thái chung.
Nhưng bạn có thể đặt câu hỏi:
Tại sao tôi phải tạo ra giá trị cho người khác, mà không chỉ tập trung tạo ra
giá trị cho tôi?
Ý
nghĩa của cuộc sống chính là sống ý nghĩa. Đó là lý do tại sao bạn cần tạo nên
giá trị cho người khác. Khi bạn là giáo viên, thì việc chỉ dạy kiến thức, rồi
kiểm tra xem các em thuộc kiến thức hay không, chỉ mới hoàn thành phần nhỏ
trong sứ mệnh người thầy. Sứ mệnh người thầy là phải dẫn dắt, tạo cảm hứng, để
học trò của mình thành công không chỉ trong lớp học, trong nhà trường, mà lớn
lên theo đuổi mục tiêu xuất sắc, cống hiến được tài năng của mình cho gia đình
và xã hội.
Thiên tài là người biết giúp
người khác thành nhân tài. Khi bạn là thầy giáo, bạn hướng trò mình xây dựng kế
hoạch tương lai, trở thành những nhân tài được xã hội công nhận. Khi đó, trường
bạn và chính bạn không lo thiếu học trò. Thậm chí học trò kéo đến quá đông,
trường nhận không xuể, phải mở rộng quy mô.
Ở lớp, bạn chẳng cần phải vất
vả quản lý học trò giữ trật tự để nghe bạn giảng một bài dài lê thê. Bạn hãy tổ
chức trò chơi, ra câu đố để học trò giải đố. Khi các em đưa ra câu trả lời sai,
bạn đừng phê phán, mà hãy động viên, khen ngợi, khuyến khích các em động não
tích cực hơn để tìm đáp áp đúng nhất, sẽ được trao thưởng.
Thực tế là, ở nhà trường chúng
ta, thầy cô chủ nhiệm hay mời phụ huynh đến trường, chủ yếu để phàn nàn học
sinh đó học kém, điểm thấp, quậy phá ở trường, vi phạm kỷ luật. Giáo viên yêu
cầu phụ huynh phối hợp giáo dục con, nếu con không tiến bộ, có thể phải kỷ luật
nặng hơn, con tiếp tục vi phạm, sẽ bị đuổi học. Án phạt "Kỷ luật"; "Đuổi
học" luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với cả phụ huynh và học sinh.
Phụ huynh lo lắng, bực dọc,
khi con về nhà tiếp tục trách phạt con vì những "tội" gây ra ở
trường. Mối quan hệ thầy cô - học trò - cha mẹ học trò luôn luôn căng thẳng.
Nhà trường có không khí thật nặng nề, khiến các em khi nghĩ đến trường học là
chán nản, căng thẳng, lo lắng và mất hết hứng thú học.
Trong
khi đó, ở các nhà trường phương Tây, mỗi khi thầy cô phát ngôn, thì câu đầu
tiên luôn là lời khen ngợi học trò, cùng nụ cười và ánh mắt quan tâm, chăm chú,
khiến học trò luôn tự tin, nói lên chính kiến của mình. Các em luôn cảm thấy
mình rất giỏi, giàu năng lực, mình hoàn toàn có khả năng trở thành người chủ
của tương lai, thay đổi cả thế giới. Nhờ cảm giác và hứng thú được khơi nguồn
từ thầy cô, mà các em luôn chủ động, sáng tạo, trách nhiệm. Ngay từ khi còn
ngồi trên ghế nhà trường, các em đã hình thành thói quen tốt như vậy.
Cùng là người thầy, nhưng
phương pháp giáo dục ở nhà trường Ta và nhà trường Tây khác nhau như vậy đấy.
Các thầy Ta thì thiên về giảng kiến thức, kiểm soát xem trò thuộc kiến thức đến
đâu, đưa ra hình phạt, quy kết học trò sai, kém, khiến các em hằn in trong não
là mình kém thật, không dám làm việc gì nữa, bởi làm là sợ sai. Các thầy Tây
thì chủ yếu là khen, khen hết lời, tạo cảm xúc tích cực, kích thích học trò
hành động. Khi các em làm sai cũng khéo léo tìm cách khen trước, sau mới động
viên các em làm lại theo cách khác tốt hơn.
Kết quả cuộc đời của Ta và Tây
ra sao, chúng ta đều đã rõ.
Do đó, khi là thầy, bạn hãy
nghĩ rằng, học trò nhất định giỏi hơn chúng ta. Mỗi em đều có một ước mơ lớn,
bạn chỉ cần giúp các em định hình rõ ước mơ, và tìm cách biến ước mơ thành hiện
thực, là bạn đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Hãy lắng nghe các em, bởi "sai"
hay "đúng" chỉ là tương đối, chính những điều các em phát hiện, hoàn
toàn khác những khái niệm cũ, sẽ giúp người thầy trở nên giỏi hơn. Thầy giỏi là
thầy biết lắng nghe và học hỏi từ trò của mình. Thầy giỏi không phải là người
thầy chăm phán xét, mà là người thầy chăm lắng nghe và khen ngợi học trò của
mình...
Theo TS. Phan Quốc Việt (GD&TĐ)