Không để sinh viên học thụ động
Trong
những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng quá trình học tập của sinh
viên nói chung, sinh viên khối sư phạm nói riêng cho thấy, tình trạng học tập
vẫn lệ thuộc nhiều vào người thầy, đa số sinh viên còn thụ động trong học tập,
ít tìm tòi thông tin, mở rộng kiến thức chuyên môn của mình và không phát huy
hết tiềm năng của các phương tiện học tập, chưa vận dụng các phương pháp sáng
tạo trong học tập.
Trong
giảng dạy tuy không phổ biến nhưng vẫn còn tình trạng: thầy giảng đọc, trò ghi
chép một cách thụ động. Cũng có nhiều giảng viên soạn, giảng bài bằng máy
chiếu, bằng các thiết bị công nghệ thông tin ... nhưng khi giảng dạy lại chỉ
đơn thuần đọc những nội dung đó, nên khiến không khí lớp học nặng nề.
Khuyến khích SV nghiên cứu nhiều hơn
Từ
thực tiễn trong quá trình thực hiện đổi mới PPGD trong các trường sư phạm cho
thấy: Muốn đổi mới PPGD, điều tất yếu là phải quan tâm đến đối tượng dạy và
học; điều kiện và hoàn cảnh thực tiễn; phải chủ động có sáng kiến như làm cho
sinh viên biết tự học, vận dụng liên hệ với thực tiễn luôn thay đổi, biết chia
sẻ, tận dụng hỗ trợ phương tiện dạy học; lựa chọn các PPGD cho từng trường hợp
cụ thể dựa vào các tiêu chí đảm bảo dạy được cách học; phát huy mạnh mẽ tính
chủ động của người học; khai thác triệt để các tiến bộ của công nghệ thông tin
và truyền thông.
Đồng
thời, cần vận dụng các hình thức tổ chức dạy học khác nhau, các PPGD tích cực,
phương tiện dạy học hiện đại và cải tiến phương pháp kiểm tra - đánh giá kết
quả học tập của sinh viên…
Sinh
viên ngày nay có những quan điểm khác trước, ngoài việc muốn có thêm kiến thức,
thì sinh viên ngày nay còn có nhu cầu thể hiện bản lĩnh, cá tính, mơ ước của
riêng mình. Hoạt động học tập được tích cực hóa trong điều kiện nội dung,
phương pháp đào tạo ngày càng được hiện đại hóa với một trong những đặc trưng
cơ bản là cá thể hóa người học thể hiện ở sự cho phép lựa chọn nội dung, thời
gian, giảng viên và phương thức học. Năng lực nhận thức của sinh viên cũng có
điều kiện phát triển hơn so với trước, do được giao tiếp qua nhiều kênh và với
một phạm vi rộng rãi toàn cầu.
Việc
khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng phát huy được
tính thực tiễn và sáng tạo. Trong quá trình đó, sinh viên được coi là người sản
sinh ra tri thức hơn là người tiêu thụ tri thức, hay nói cách khác, tính chất
nghiên cứu bắt buộc là nét đặc thù của quá trình học tập ở các trường sư phạm.
Hơn nữa sinh viên có xu hướng tách vượt ra khỏi nội dung đào tạo do chương trình
quy định, cùng một lúc có thể học nhiều trường, vừa học vừa tham gia một công
việc với thời lượng phù hợp.
Thay đổi cách kiểm tra, đánh giá
Chính
vì thế vai trò của giảng viên càng trở nên quan trọng, đòi hỏi không chỉ có
kiến thức sâu mà phải rộng, nhất là ngày nay nhờ sự phát triển của nhiều loại
hình công nghệ hỗ trợ hoạt động dạy - học và việc hội nhập, quan hệ thầy - trò
đã mang bản chất mới, đó là mối quan hệ giữa người tổ chức, điều khiển, chỉ đạo
và người tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận thức. Trong đó, hoạt động dạy
và học thúc đẩy lẫn nhau, thống nhất biện chứng với nhau.
Do
vậy, để quá trình đào tạo ở các trường sư phạm diễn ra hiệu quả, giảng viên
phải rèn luyện mình, cập nhật kiến thức một cách toàn diện để có đủ bản lĩnh
thực hiện vai trò chủ đạo của mình với tư cách là chủ thể của hoạt động sư phạm
nói chung và hoạt động giảng dạy nói riêng. Bên cạnh đó, giảng viên còn phải là
người tạo ra và duy trì tốt một cộng đồng học tập trong và ngoài lớp. Vì vậy,
họ cần phải có vốn sống, có kinh nghiệm xã hội phong phú để tiếp cận và "chinh
phục" những sinh viên - những người có nhiều hoài bão và sôi nổi.
Có
thể nói trong xu thế đổi mới quá trình đào tạo hiện nay, mỗi trường sư phạm đều
có các giải pháp nhằm đổi mới PPGD, tùy vào đặc trưng của từng trường mà thực
hiện theo cách không giống nhau, nhưng cùng hướng tới mục đích chung là nâng
cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu đổi mới của giáo
dục...
Vì
thế trong việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên luôn là một yếu tố hết
sức quan trọng. Kết quả của kiểm tra đánh giá là cơ sở để điều chỉnh hoạt động
dạy, hoạt động học và quản lý giáo dục, nên mỗi trường phải thường xuyên bám
sát vào chủ trương định hướng, của Bộ GD&ĐT, gắn với công tác thanh tra,
kiểm tra các môn học… tiến hành công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục, cùng
với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại để giúp cho việc giảng dạy áp dụng được
nhiều PPGD sinh động nhằm tạo ra bước đột phá quyết định đến chất lượng đào
tạo.
Để
quá trình đào tạo ở các trường sư phạm diễn ra hiệu quả, giảng viên phải rèn
luyện mình, cập nhật kiến thức một cách toàn diện để có đủ bản lĩnh thực hiện
vai trò chủ đạo của mình với tư cách là chủ thể của hoạt động sư phạm nói chung
và hoạt động giảng dạy nói riêng. Bên cạnh đó, giảng viên còn phải là người tạo
ra và duy trì tốt một cộng đồng học tập trong và ngoài lớp.
Theo Minh Tư (GD&TĐ)