Tham gia khóa tập huấn là 200 báo cáo viên nguồn gồm: 120 giảng viên sư phạm, 60 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý trường phổ thông giỏi và 20 cán bộ quản lý và chuyên viên của của Bộ GD&ĐT. Đây là đợt 2 của khoá tập huấn giáo dục phát triển năng lực và triển khai thực hiện chương trình GDPT mới (đợt 1 diễn ra từ ngày 16-21/4/2019).
Khóa tập huấn tập trung xây dựng năng lực và thay đổi nhận thức, hành vi thông qua tương tác giữa giảng viên và học viên, giúp học viên nắm được các nguyên tắc cơ bản của giáo dục phát triển năng lực và các yêu cầu cốt lõi đối với giảng viên cốt cán trong chương trình GDPT mới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định: “Chương trình tập huấn đợt 1 tập trung vào xây dựng khung chung về dạy học định hướng năng lực đã cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tập huấn đợt 2 sẽ đi sâu vào kỹ thuật dạy học, đánh giá, đặc biệt là đánh giá, vì nếu giáo viên có khả năng đánh giá tốt sẽ biết người học cần gì và điều chỉnh kịp thời việc dạy học”.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của các học viên tham gia tập huấn đợt này (gồm các cán bộ, chuyên viên Bộ GDĐT, các giảng viên sư phạm, hiệu trưởng và giáo viên giỏi từ các cơ sở giáo dục phổ thông), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng: “Các thầy cô là tài sản quốc gia trong triển khai Chương trình GDPT mới, có nhiệm vụ lan toả năng lực dạy học và đánh giá theo năng lực tới hàng chục ngàn giáo viên phổ thông trong cả nước”.
Giảng viên của khóa tập huấn là các chuyên gia đến từ trường đại học Melbourne, một trong những trường đại học lâu đời, danh tiếng nhất ở Australia
Trong tập huấn đợt 2 nảy, các giảng viên không chỉ chú trọng vào dạy học chiến lược cũng như các kỹ thuật dạy học phát triển năng lực mà còn tập trung vào đánh giá. Vì đánh giá không chỉ giúp giáo viên xây dựng kế hoạch bài học mà giúp cả học sinh học tập, đánh giá tốt sẽ làm thay đổi cách dạy học.
Các học viên tiếp tục phát triển bài tập thực hành tại khóa tập huấn đợt 1 thành kế hoạch dạy học cụ thể và áp dụng tại các nhà trường phổ thông. Từ đó, thực hiện các nghiên cứu trường hợp điển hình, với sự hỗ trợ trực tuyến của các chuyên gia quốc tế. Các tiết học minh họa này cũng là học liệu thực tế để các học viên thảo luận với chuyên gia tại khóa tập huấn đợt 2.
Học viên sẽ nghiên cứu dạy học chiến lược, cách cung cấp và tần suất học liệu cho học sinh, cách áp dụng học liệu trong đánh giá; Thảo luận các kế hoạch bài học đã thực hiện trong khoảng thời gian giữa hai đợt tập huấn và nhận phản hồi trực tiếp, cụ thể từ giảng viên; Nghiên cứu kinh nghiệm đánh giá năng lực quốc tế, các nguyên tắc đánh giá, xây dựng và sử dụng rubrik trong đánh giá theo năng lực, thiết kế nhiệm vụ sau đánh giá,…
Theo bà Nguyễn Kim Cúc (chuyên gia đến từ ĐH Melbourne, giảng viên khoá tập huấn), việc đánh giá phải có giá trị, đáng tin cậy, đặc biệt phải mang tính phát triển và chỉ ra con đường tiến bộ cho học sinh.
Bà Nguyễn Kim Cúc (áo hoa), chuyên gia đến từ Trường Đại học Melbourne
Bà Nguyễn Kim Cúc nhận định, ở Việt Nam, việc chuyển hướng từ giáo dục định hướng kiến thức sang định hướng phát triển năng lực đã bước đầu có những biểu hiện mạnh mẽ, tuy nhiên, giáo viên còn gặp khó khăn trong việc đưa các năng lực chung được quy định trong Chương trình Tổng thể vào dạy học. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp các học viên sau khoá học này nắm vững được phương pháp dạy học phát triển năng lực, để có thể soạn được giáo án và tổ chức dạy học phát triển năng lực cho học sinh" - bà Cúc chia sẻ.
Sau 2 đợt của khóa tập huấn này, 200 báo cáo viên nguồn sẽ tiến hành bồi dưỡng cho 800 giảng viên sư phạm chủ chốt. Sau đó, các giảng viên sư phạm chủ chốt tiếp tục bồi dưỡng cho gần 7.000 tổ trưởng chuyên môn, 28.000 giáo viên cốt cán các cấp học, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở, phòng GD&ĐT, 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Đội ngũ cốt cán này sẽ triển khai tập huấn cho toàn bộ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc.
Nguồn: BQL ETEP TW