Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình
Đồng
tình thay miễn học phí bằng tín dụng sư phạm
Theo quy định hiện hành, sinh viên sư phạm không phải đóng học phí,
kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí sư phạm được ngân sách cấp bù
cùng với kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục. Quy định trên, theo Đại
biểu Quốc hội Đinh Thị Bình, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước với
sự nghiệp GD-ĐT nói chung, với sinh viên sư phạm nói riêng. Trải qua hàng chục
năm thực hiện, chính sách miễn học phí đã góp phần quan trọng để thu hút sinh
viên giỏi, hỗ trợ những sinh viên khó khăn theo đuổi lý tưởng vào ngành sư
phạm.
Tuy nhiên, quy định này đến
nay tồn tại một số hạn chế, bất cập, như học sinh ra trường không làm đúng
ngành, dẫn đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước không hiệu quả; đồng thời không
còn phù hợp với xu hướng tự chủ đại học hiện nay, trong đó có trường sư phạm,
không thúc đẩy các trường sư phạm tích cực, chủ động khai thác nguồn thu để
tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo do phụ thuộc tâm lý
chờ đợi ngân sách bao cấp, cấp bù học phí sư phạm.
Bởi
vậy, quan điểm của Đại biểu Đinh Thị Bình, nếu thực hiện chính sách tín dụng sư
phạm sẽ mang lại nhiều ưu điểm như: Sinh viên sẽ được vay tín dụng để nộp đủ
học phí, có đủ chi phí sinh hoạt để yên tâm theo học; khi ra trường làm đúng
nghề sư phạm được xóa khoản vay. Như vậy, có đủ thời gian cống hiến trong ngành
sư phạm thì sinh viên vẫn không phải chi trả học phí - đảm bảo được những ưu
tiên đặc thù cho sinh viên sư phạm mà Nhà nước đã thực hiện trước đây.
Đối với trường sư phạm, khi
sinh viên đóng học phí đầy đủ cho nhà trường sẽ đảm bảo trường có nguồn thu
trực tiếp để chủ động trang trải chi phí. Đối với Nhà nước, quy định đó sẽ thực
hiện hỗ trợ đúng đối tượng, không còn tình trạng hỗ trợ kinh phí cho những
người được đào tạo sư phạm nhưng ra trường đi làm ngành nghề khác, khiến cho
chính sách hỗ trợ không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
"Với những phân tích trên
đây, chúng tôi cho rằng, việc sửa đổi quy định miễn học phí bằng học sinh, sinh
viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí
trong toàn khóa học như trong Dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh
đất nước, với quy định về tự chủ ở các trường đại học trong Dự thảo Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và các luật khác có liên
quan. Như vậy mới đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cần
phải có những thay đổi căn bản trong quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm
và chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ nhà giáo mới có thể thu hút được
những sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, tạo động lực cho giáo dục phát triển
mạnh trong thời gian tới" - Đại biểu Đinh Thị Bình cho hay.
Cần
thực hiện nâng chuẩn trình độ giáo viên
Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới
căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ: Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS,
giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại
học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ
thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Như vậy, việc nâng chuẩn trình
độ đào tạo lên trình độ đại học với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; trình
độ thạc sĩ với giảng viên đại học; trình độ tiến sĩ với giảng viên hướng dẫn
luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ được quy định trong dự án Luật sửa đổi lần
này là nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, là yêu cầu tất yếu và sẽ là bước
đột phá nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo đáp ứng
yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Khẳng
định điều này, Đại biểu Đinh Thị Bình cho biết: Hiện nay, cả nước có 59,63%
giáo viên tiểu học và 74,6% giáo viên THCS có trình độ từ đại học trở lên. Như
vậy, còn 40,36 giáo viên tiểu học và 25,4% giáo viên THCS cần được bồi dưỡng
nâng chuẩn. Con số đó có thể làm nảy sinh tâm lý băn khoăn về tính khả thi của
phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo. Tuy nhiên, với quyết tâm
chính trị cao độ, bằng những biện pháp và bước đi thích hợp, chúng tôi tin rằng
việc nâng chuẩn trình độ của nhà giáo hoàn toàn có thể thực hiện được và cần
phải được thực hiện.
"Thực tế trong thời gian
qua, nhà giáo ở các cấp học đều nỗ lực cố gắng để nâng cao trình độ chuyên môn,
nghiệp vụ. Nhiều nhà giáo đã đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo nhưng vẫn không
được xếp lương ở bậc cao hơn nên rất thiệt thòi cho nhà giáo. Vì vậy, để khuyến
khích sinh viên lựa chọn theo học trình độ phù hợp với khả năng, đồng thời
khuyến khích nhà giáo tự nâng trình độ đạt chuẩn, Dự thảo Luật cần bổ sung quy
định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hay văn bằng của nhà giáo.
Chúng ta kì vọng rằng, với sửa
đổi mang tính chất đột phá bằng những quy định cụ thể như trên, việc sửa đổi
Luật Giáo dục lần này sẽ tạo động lực để sự nghiệp GD&ĐT nước nhà đáp ứng
được yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kì mới" - Đại biểu Đinh
Thị Bình kỳ vọng.
Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)