Những vướng mắc này đã được đại diện các bên liên quan nêu ra tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên và tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức.
Theo kết luận của phiên giải trình, hiện tại cả nước có trên 1,16 triệu giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó, giáo viên trường công lập là gần 1,1 triệu người, giáo viên trường ngoài công lập là trên 71.000 người.
Nếu chia theo các cấp bậc, mầm non đang có 309.770 giáo viên. Bậc tiểu học có 395.848 giáo viên. Bậc trung học cơ sở có 305.815 giáo viên. Bậc trung học phổ thông có 149.710.
So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định thì số giáo viên các cấp hiện còn thiếu là gần 76.000 người, cụ thể, ở cấp mầm non thiếu 43.732 người; tiểu học thiếu 18.953 người; THCS thiếu 10.143 người; THPT thiếu 3161 người.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, một số nơi đã hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao, không đúng với quy định hiện hành như Đắk Lắk, Cà Mau, Hà Nội, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,…
Lý giải tình trạng bất cập này, kết luận nêu rõ, nguyên nhân là do hệ thống pháp luật về đội ngũ giáo viên chưa hoàn thiện, việc ban hành chính sách đối giáo viên còn thiếu tính đồng bộ và nhất quán với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu; hiệu quả triển khai chính sách chưa cao do năng lực tài chính của nước ta còn hạn hẹp.
Bên cạnh đó, sự biến động về quy mô trường lớp do sắp xếp, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các thành phố lớn, khu công nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên tại một số địa phương, khu vực.
Ngoài ra, những tồn tại này còn do chưa có sự thống nhất trong đánh giá vai trò giáo viên đối với sự nghiệp giáo dục giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, các bộ ngành khác và địa phương. Cơ cấu giáo viên còn bất cập, đào tạo sư phạm chưa bám sát nhu cầu ngành giáo dục.
Mặc dù, trước tình trạng thừa, thiếu giáo viên gây bức xúc tại nhiều địa phương, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về danh mục khung vị trí việc làm, định mức giáo viên, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định của Luật Viên chức. Tuy nhiên, do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả nên nhiều địa phương tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ, dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ.
Một số giải pháp đang được Bộ triển khai để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên như tiếp tục công tác rà soát, dự báo nhu cầu giáo viên, quy hoạch mạng lưới đào tạo sư phạm, công bố chuẩn nghề nghiệp giáo viên, ban hành kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, dồn điểm trường lẻ về trung tâm.
Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp trong tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển giáo viên để đảm bảo chất lượng và sự ổn định của đội ngũ; chú trọng công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp lại các điểm trường, biên chế giáo viên phù hợp, điều chuyển từ nơi thừa biên chế sang nơi thiếu, thực hiện tinh giản biên chế, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập để có điều kiện bổ sung cho nơi còn thiếu biên chế giáo viên, không để thiếu giáo viên, ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Theo Thúy Nga (vietnamnet)