Tinh giản nội dung 9 môn học với tiểu học, 14 môn bậc PT
Ở tiểu học, có 9 môn học từ lớp 1 - 5 được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II, gồm: Toán; Tiếng Việt; Khoa học; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lý; Âm nhạc; Thủ công/ Kỹ thuật; Thể dục. Việc tinh giản được hướng dẫn cụ thể theo từng tuần dạy học của chương trình, để bảo đảm các nhà trường thuận lợi trong triển khai việc thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước kèm theo đó là hướng dẫn chi tiết. Ở THCS, THPT, có 14 môn học được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II, gồm: Công nghệ, Địa lý, Giáo dục công dân, Hóa học, Ngữ văn, Sinh học, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Nhật, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tin học, Toán và Vật lý.
Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), việc tinh giản nội dung dạy học đã thực hiện từ nhiều năm qua. Như năm 2013, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông, bắt đầu từ năm học 2013 - 2014. Năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018. Vừa qua, thực hiện theo Công văn số 4612, các Sở GD&ĐT đã làm tốt việc giao cho trường học chủ động rà soát, tinh giản nội dung dạy học và thực hiện dạy học theo các chủ đề; thực hiện đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá.
Các tiểu ban rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông gồm các chuyên gia đến từ trường ĐH sư phạm; tác giả SGK, chương trình hiện hành; giáo viên trực tiếp dạy học ở các cấp học. Thứ nhất, căn cứ từ chương trình, xem xét trong SGK, các tiểu ban đưa ra nội dung trong SGK đang ở mức độ vận dụng cao để có thể tinh giản, bảo đảm tiết kiệm thời gian để có thể hoàn thành chương trình trong giai đoạn còn lại của năm học.
Thứ 2, rà soát để tích hợp các tiết học, bài học trong SGK thành các bài học theo chủ đề và sẽ hướng dẫn địa phương, nhà trường thực hiện dạy học các nội dung này, vẫn bảo đảm được nội dung kiến thức, nhưng tiết kiệm thời gian thực hiện và cũng thuận lợi hơn trong thiết kế bài học để tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình. Khi tổ chức dạy học như vậy, đòi hỏi học sinh được hướng dẫn tự học, tự nghiên cứu trên SGK nhiều hơn - yêu cầu này cũng được hướng dẫn trong Công văn số 4612.
Thứ 3, rà soát các nội dung giao thoa giữa môn học này với môn học khác để chỉ dạy nội dung này ở một môn chiếm ưu thế, bổ sung thêm những yêu cầu của môn còn lại, như vậy cũng tiết kiệm được thời gian để tổ chức dạy học.
Không kiểm tra, đánh giá với những kiến thức đã giảm bớt
Với kiểm tra đánh giá, hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học ở trung học lưu ý: Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản theo Công văn số 5842/BGDĐT-GDTrH và các nội dung "Không dạy", "Không làm", "Không thực hiện", "Khuyến khích học sinh tự học (tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện)" theo hướng dẫn tại công văn này.
Với bậc tiểu học, Bộ GD&ĐT lưu ý tổ chức đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh bằng các phương pháp, kĩ thuật, công cụ khác nhau phù hợp với tình hình thực tế và đúng quy định. Không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự chọn, tự học.
Việc tinh giản được thực hiện theo nguyên tắc: Bảo đảm mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo quy định của Luật Giáo dục; Bảo đảm tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học; Thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, phân cấp trong quá trình thực hiện; Bảo đảm tinh giản nội dung dạy học phù hợp với việc điều chỉnh Kế hoạch giáo dục nhà trường trong năm học 2019 - 2020 do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học mỗi môn học đều kèm theo phụ lục rõ ràng để thống nhất thực hiện trên toàn quốc. - PGS.TS. Nguyễn Xuân Thành nói.
Nguyễn Nhung