Thực tế đó đòi hỏi các trường sư phạm, phổ thông cần quan tâm để đào tạo, bồi dưỡng hiệu quả giáo viên trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới cũng như đáp ứng nghề nghiệp giáo viên hiện nay.
Ưu nhược song hành
Nghiên cứu về thực trạng giáo viên (GV) trẻ trong việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn giáo dục phổ thông của TS. Nguyễn Thị Kim Dung - Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường ĐHSP Hà Nội cho thấy: Đội ngũ GV trẻ có khả năng đáp ứng tốt vì kiến thức chuyên môn vững vàng. Đây được xem như điểm mạnh nổi trội nhất.
Mặt khác, từ thực tế cho thấy cơ bản những GV trẻ có tư cách đạo đức tốt, tác phong mẫu mực. Đặc biệt, họ nhiệt tình say mê công việc, chịu khó tìm tòi học tập các thầy cô lớn tuổi, dự giờ, gần gũi HS...
Đa phần các BGH cũng đánh giá rất tốt về GV trẻ với tinh thần tự học, tự bồi dưỡng hoàn thiện nhân cách nhà giáo và nâng cao năng lực chuyên môn.
Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm không thể phủ nhận, ở GV trẻ đang tồn tại những bất cập nhất định trong quá trình hoạt động nghề nghiệp trong trường phổ thông.
Có thể thấy, những khó khăn mà họ nêu ra thường liên quan đến các vấn đề như: Tìm hiểu đặc điểm tâm lý và phân loại HS; Lập kế hoạch bài học theo hướng tích hợp dạy học với giáo dục; Công tác chủ nhiệm lớp; Giáo dục HS cá biệt... Rõ ràng với những khó khăn mà GV trẻ gặp phải đều liên quan nhiều đến các năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khó khăn trên. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là trong quá trình đào tạo ở trường ĐH, sinh viên sư phạm được trang bị những lí luận về vấn đề này vừa ít lại hàn lâm, chung chung; trong khi thực tiễn lớp học lại vô cùng đa dạng (người học, sở thích, năng khiếu, trình độ, nhận thức, cá tính, tài liệu, nội dung học tập, đa dạng các tình huống...). Tất cả sự đa dạng này tạo ra thách thức với GV trẻ và cần có sự bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp nói chung và năng lực sư phạm nói riêng.
Để GV trẻ đáp ứng đổi mới GDPT
Thực tiễn sinh động, đa dạng của nhà trường phổ thông là "mỏ quặng" cần được khai thác vào việc phát triển chuyên môn cho GV trẻ. Các năng lực tìm hiểu đối tượng HS, môi trường GD, ứng xử với HS, đồng nghiệp, phụ huynh, giải quyết các tình huống sư phạm... chỉ có thể phát triển ở GV khi họ được tiếp cận và làm việc trực tiếp trong môi trường phổ thông.
TS. Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định: Bồi dưỡng GV trẻ cần phải tập trung vào khả năng nắm bắt được các tình huống có thể xảy ra trong lớp và có thể tự chủ trong cách giải quyết các công việc của một người GV trong nhà trường...
ồi dưỡng năng lực sư phạm cho GV trẻ có thể thông qua việc tổ chức cho họ dự giờ các GV có kinh nghiệm và sinh hoạt chuyên môn GV cùng tổ/trường. Như vậy giúp GV trẻ học tập từ thực tiễn lớp học do các đồng nghiệp trong trường thực hiện. Những buổi trao đổi, phân tích về các tiết dự giờ cùng các GV khác trong tổ, trường theo hướng nghiên cứu bài học sẽ giúp GV trẻ hiểu biết cách dạy và các bước dạy học có hiệu quả cho mọi ngữ cảnh, cách thức xử lí các tình huống sư phạm, quản lí lớp học.
Để năng lực sư phạm GV trẻ phát triển thì việc khuyến khích dạy minh họa cũng vô cùng cần thiết.
TS. Nguyễn Thị Kim Dung chỉ ra: Tâm lý chung của GV, nhất là GV trẻ rất sợ phải dạy giờ có các GV khác dự vì lo ngại bị đánh giá, "soi mói", "phê phán, chỉ trích"... Việc để cho các GV giỏi, có kinh nghiệm tiến hành giờ học minh họa trước chính là tạo cho các GV khác nói chung và GV trẻ hiểu rõ hơn về nghiên cứu bài học và thấy được những lợi ích cho cả người dạy minh họa và người tham dự. Từ đó kích thích các GV khác mong muốn và tự nguyện đăng ký dạy minh họa, không phải chịu sức ép về việc đánh giá, nhận xét, xếp loại...
"Cần khuyến khích GV trẻ đăng kí dạy minh họa. Họ sẽ cùng GV hướng dẫn, tổ trưởng chuyên môn hoặc 3 - 4 GV khác trong tổ cùng nhau bàn bạc, trao đổi đưa ra ý tưởng thiết kế bài học. Lần đầu dạy minh họa của GV trẻ chỉ nên tiến hành trong phạm vi tổ chuyên môn, thậm chí có thể chỉ những GV trong tổ chuyên môn dạy cùng khối lớp để bước đầu đỡ tạo áp lực cho GV trẻ" - TS. Nguyễn Thị Kim Dung
Theo Đức Trí (Báo GD&TĐ)